Cô y tá năm xưa ở Hà Tĩnh kể chuyện băng vết thương cứu phi công Mỹ

(Baohatinh.vn) - Bà Trần Thị Sâm (SN 1943) sống cùng chồng trong căn nhà lọt thỏm giữa con ngõ nhỏ ở phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh). Ít ai biết rằng bà là nhân chứng lịch sử, là nhân vật chính trong một tác phẩm nổi tiếng về ký ức chiến tranh - bức ảnh “Tấm lòng người Việt Nam”.

Cô y tá năm xưa ở Hà Tĩnh kể chuyện băng vết thương cứu phi công Mỹ

Bức ảnh “Tấm lòng người Việt Nam” của nghệ sỹ nhiếp ảnh Từ Tiện. (Nguồn ảnh: internet).

18 tuổi, cô gái nhỏ bé Trần Thị Sâm đăng ký tham gia dân công hỏa tuyến ở Tổng đội 53 TNXP Hà Tĩnh, đến năm 1967 thì được chuyển sang công tác tại đơn vị K8, K10 - Đội Thanh niên quốc phòng thuộc UBND huyện Thạch Hà. Sau một thời gian phục vụ trong quân ngũ, bà được cấp trên cử đi học thêm chuyên ngành y và chính thức trở thành y tá.

Đã từng vào sinh ra tử trên những trận địa ác liệt từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình, Quảng Trị, biết bao lần đối diện với cái chết nhưng có lẽ kỷ niệm bà Sâm nhớ nhất vẫn là lần đối mặt với tên “giặc lái” trên chính cánh đồng quê mình.

Đó là một buổi sáng ngày 19/5/1972, trận địa pháo cao xạ ở thị xã Hà Tĩnh đã bắn rơi một chiếc máy bay của Mỹ. Máy bay bốc cháy, tên phi công may mắn thoát ra khỏi khối lửa khổng lồ bằng chiếc dù “hộ mệnh”.

Nhận được tin báo, bà Sâm cùng 4 chiến sỹ nhận lệnh tham gia bắt sống giặc lái. Khi vừa thấy chiếc dù bung khỏi máy bay, bà Sâm cùng đồng đội lần theo đường bay của dù. Chiếc đài bán dẫn liên tục phát tín hiệu cầu cứu. Trên bầu trời lúc đó có 6 chiếc máy bay cùng quần thảo. Vừa bay, chúng vừa dội đạn xuống yểm trợ để tên phi công có thể chờ thang cứu hộ.

Cô y tá năm xưa ở Hà Tĩnh kể chuyện băng vết thương cứu phi công Mỹ

Bà Sâm với những kỷ vật một thời thanh xuân sôi nổi đã cống hiến hêt mình cho đất nước.

Bà Sâm nhớ lại giây phút sinh tử: “Không cho phép mình nao núng, chúng tôi tiếp tục trườn theo những luống khoai tiến gần đến tên lính dù. Tới nơi, phát hiện 1 đám đất mới vừa được xới lên, nghi là chỗ giấu thiết bị phát sóng, tôi vội xới lên và dẫm nát. Mất tín hiệu, đội bay của địch điên cuồng nhả đạn rồi tản dần”.

Khi giáp mặt, trên tay tên phi công vẫn còn lăm lăm khẩu súng lục, nằm ép sát giữa rãnh luống khoai, miệng không ngừng la hét, tinh thần vô cùng hoảng loạn. Bà Sâm và 4 dân quân nhanh chóng ập vào bắt tên phi công và dẫn hắn vào trú ẩn tại hầm chữ A.

Cô y tá năm xưa ở Hà Tĩnh kể chuyện băng vết thương cứu phi công Mỹ

“Trước khi là giặc, tên phi công cũng là một con người. Là thầy thuốc, tôi phải cứu người trước đã” - bà Sâm chia sẻ.

Tên phi công tên là Obri Nincon bị thương khá sâu ở vùng trán và má. Bà Sâm lập tức làm nhiệm vụ băng bó vết thương cứu người. Và đó cũng chính là khoảnh khắc ra đời của bức ảnh nổi tiếng “Tấm lòng người Việt Nam”. Tác giả của bức ảnh là nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện - khi đó đang theo đoàn sáng tác trú ẩn tại hầm.

“Lúc đó tôi không nghĩ gì nhiều, bản năng của người thầy thuốc thôi thúc, thấy bệnh nhân là phải cứu đã còn tội trạng thì xét sau. Trước khi coi hắn là giặc, hắn cũng là một con người, tôi không thể nhìn hắn đau đớn với vết thương đang chảy máu được” - bà Sâm chia sẻ.

Cô y tá năm xưa ở Hà Tĩnh kể chuyện băng vết thương cứu phi công Mỹ

Hạnh phúc ở tuổi xế chiều bên người bạn đời, cũng là người bạn chiến đấu cũ.

Sau khi băng bó vết thương, giao tên giặc cho lực lượng làm nhiệm vụ, bà Sâm quay về với công việc của mình mà không hay biết rằng, khoảnh khắc với hành động đẹp đẽ, nhân văn đó đã đi vào lịch sử. Vì những lý do khách quan, bức ảnh gần như bị lãng quên. Hơn 20 năm sau khi bức ảnh ra đời, mất nhiều công sức, người ta mới tìm ra bà Sâm chính là cô y tá xinh đẹp, dũng cảm năm xưa.

“Thời điểm đó, tôi đã nghỉ hưu và đang buôn bán gạo ở chợ tỉnh. Một cán bộ ủy ban huyện Thạch Hà dẫn nhiếp ảnh gia Từ Tiện đến gặp tôi tại chợ. Khi được xem bức ảnh, tôi như nghẹn lại, nước mắt cứ thế trào ra. Một cảm xúc không diễn tả được” – bà Sâm xúc động nhớ lại.

Cô y tá năm xưa ở Hà Tĩnh kể chuyện băng vết thương cứu phi công Mỹ

Cuộc sống bình dị, không nhiều người biết đến bà là “linh hồn” của một tác phẩm nổi tiếng về ký ức chiến tranh.

Năm 1995, bức ảnh “Tấm lòng Việt Nam” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Từ Tiện đã giành huy chương vàng đồng hạng tại triển lãm những bức ảnh chưa được công bố nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam.

Cô y tá năm xưa giờ đã gần 80 tuổi. Bà sống cuộc sống bình dị bên chồng con và các cháu. Bạn đời của bà cũng chính là người bạn chiến đấu cũ, vì mê nhau ở lòng quả cảm mà nên duyên chồng vợ.

Cô y tá năm xưa ở Hà Tĩnh kể chuyện băng vết thương cứu phi công Mỹ

Bức ảnh không chỉ như một lời nhắc nhở thế hệ con cháu về quá khứ hào mà còn là biểu tượng của tính nhân văn, tấm lòng bao dung của con người Việt Nam.

Không có quá nhiều người biết câu chuyện về nữ y tá và tên lính dù năm xưa. Ở tuổi xế chiều, những vết thương cũ khiến sức khỏe của bà giảm sút, nhưng kỷ niệm về những năm tháng thanh xuân cống hiến cho đất nước vẫn còn in đậm trong ký ức bà.

Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc năm xưa được bà treo trang trọng ở phòng khách của gia đình. Nó không chỉ nhắc nhớ thế hệ con cháu về một thời máu lửa của chiến tranh mà hơn hết, đó là biểu tượng của sự nhân văn, lòng bao dung cao cả, là hiện thân của “Tấm lòng người Việt Nam”.

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống