Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm 1,9 điểm trong tháng 10

(Baohatinh.vn) - Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm từ 52,5 điểm của tháng 9 còn 50,6 điểm trong tháng 10.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm 1,9 điểm trong tháng 10

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 50,6 điểm trong tháng 10/2022. (Ánh minh họa)

Theo S&P Global Market Intelligence - công ty thu thập kết quả khảo sát chỉ số PMI, nhân tố chính góp phần làm tăng trưởng tổng thể ngành sản xuất Việt Nam chậm lại trong tháng 10 là mức tăng yếu hơn của số lượng đơn đặt hàng mới. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới chỉ tăng nhẹ. Ở những nơi số lượng đơn đặt hàng mới tăng, nguyên nhân được cho là do nhu cầu tăng, cạnh tranh giá cả và nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới. Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu giảm, kể cả nhu cầu hàng xuất khẩu cũng tăng với tốc độ chậm hơn.

Các nhà sản xuất tiếp tục gia tăng sản xuất vào đầu quý cuối của năm. Sản lượng tăng được ghi nhận ở tất cả các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản, tuy nhiên mức tăng là nhỏ.

Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm hơn được phản ánh vào tình trạng tăng yếu hơn của hoạt động mua hàng và việc làm trong tháng 10. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào và tốc độ tạo việc làm đều tăng ở mức thấp trong tháng qua.

Tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm đều giảm trong tháng 10, từ đó đã đảo ngược xu hướng tăng được ghi nhận trong kỳ khảo sát trước.

Tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn trong tháng qua. Phần lớn những người trả lời khảo sát ghi nhận giá cả đầu vào tăng cho rằng nguyên nhân là do chi phí dầu, khí đốt, nguyên vật liệu thô và vận tải tăng. Mức tăng giá đầu ra vẫn còn nhẹ và trên thực tế đã giảm nhẹ so với tháng 9.

Đây là lần thứ ba liên tiếp thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn thêm một chút trong tháng 10 cho thấy chuỗi cung ứng tiếp tục ổn định sau một thời gian liên tục bị gián đoạn. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng chậm hơn đã làm giảm áp lực lên các nhà cung cấp, mặc dù vẫn có những trường hợp chậm giao hàng do khan hiếm nguyên vật liệu và những khó khăn trong khâu vận tải.

Mặc dù số lượng đơn đặt hàng mới được kỳ vọng cải thiện và đại dịch COVID-19 không còn gây gián đoạn sản xuất giúp các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới, niềm tin kinh doanh đã giảm thành mức thấp của 13 tháng với những lo ngại nhu cầu có dấu hiệu giảm.

Bình luận về chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 10, ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết: “Dữ liệu chỉ số PMI tháng 10 cho chúng ta thấy những dấu hiệu đầu tiên rằng tình trạng yếu kém của nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng tại các nhà sản xuất của Việt Nam khi cả số lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu đều tăng với tốc độ yếu nhất trong 13 tháng. Những lo ngại về tình trạng nhu cầu cũng ảnh hưởng đến niềm tin kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng sản lượng và việc làm tiếp tục tăng cùng với áp lực giá cả và nguồn cung đã giảm có thể giúp ngành sản xuất tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian cuối năm”.

(Theo S&P Global Market Intelligence)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast