Doanh nghiệp, người dân Hà Tĩnh đề xuất EVN chưa tăng giá điện lần 2

(Baohatinh.vn) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang đề xuất tăng giá bán điện lần 2 trong năm 2023 từ ngày 1/9. Trước thông tin này, cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân ở Hà Tĩnh hết sức lo lắng.

Doanh nghiệp, người dân Hà Tĩnh đề xuất EVN chưa tăng giá điện lần 2

EVN đang đề xuất tăng giá bán điện lần 2 trong năm từ ngày 1/9/2023.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao, giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2022 không được điều chỉnh kịp thời dẫn đến kết quả sản xuất, kinh doanh cả năm 2022 của tập đoàn lỗ 26.463 tỷ đồng.

EVN cho rằng, với việc điều chỉnh giá bán lẻ bình quân tăng 3% từ ngày 4/5/2023, dự kiến doanh thu bán điện tăng thêm được khoảng 8.000 tỷ đồng trong các tháng còn lại của năm 2023. Mức tăng này chưa thể cân đối được khoản chi phí mua điện năm 2023 và khả năng còn lỗ. Cùng với khoản lỗ năm 2022 chuyển sang, dự kiến cả năm 2023, EVN lỗ 40.884 tỷ đồng.

Theo đó, EVN kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục được điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 1/9/2023 để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo quy định, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN.

Trước đề xuất xin tăng giá bán điện lần 2 trong năm của EVN, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người dân Hà Tĩnh thêm lo lắng. Hiện nay, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đang đối mặt nhiều thách thức giai đoạn hậu COVID-19 cũng như những tác động về tăng chi phí sản xuất, giá sản phẩm cầm chừng, đơn hàng sụt giảm, không phát triển được thị trường, lượng hàng tồn kho lớn, lãi suất cho vay cao... Nếu EVN tiếp tục tăng giá bán điện, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ rất chật vật để cân đối nguồn tài chính. Điều này cũng sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Doanh nghiệp, người dân Hà Tĩnh đề xuất EVN chưa tăng giá điện lần 2

Công ty CP Dược Hà Tĩnh luôn duy trì nhiệt độ 25 độ C tại 2 nhà máy sản xuất, bảo quản thuốc.

Ông Lê Quốc Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài lượng lớn thiết bị, máy móc vận hành; khu vực sản xuất, bảo quản thuốc của 2 nhà máy Tân Dược và Đông Dược là môi trường đặc thù nên đòi hỏi phải sử dụng lượng điện năng lớn mỗi ngày. Theo đó, nền nhiệt độ luôn duy trì ở mức 25 độ C, cùng với nguồn không khí trong nhà máy phải sạch nên hệ thống điều hòa, lọc gió phải hoạt động liên tục. Bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp chi khoảng 500 triệu đồng tiền điện”.

“Những tháng đầu năm 2023, doanh thu công ty sụt giảm 15%, do đó, việc tăng giá bán điện 3% từ ngày 4/5/2023 đã là “gánh nặng” đối với doanh nghiệp. Nếu EVN tiếp tục tăng giá bán điện trong tháng 9 tới thì đây thực sự là “bài toán khó” cho đơn vị trong cân đối tài chính. Chúng tôi kiến nghị việc điều chỉnh mức tăng giá bán điện và lộ trình thực hiện cần cân đối hài hòa và phải được tính toán rất kỹ lưỡng. Trước mắt, không nên tăng giá điện vào tháng 9 tới” - Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hà Tĩnh Lê Quốc Khánh kiến nghị.

Cũng là doanh nghiệp tiêu tốn lượng điện năng lớn, Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (Cụm công nghiệp Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh) cũng không đồng tình trước đề xuất xin tăng giá bán điện lần này. Theo đại diện Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh, doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu sợi sang Nhật Bản, Ai Cập, Bangladesh... Mỗi tháng, doanh nghiệp phải chi trả từ 2 - 2,4 tỷ đồng tiền điện. Giá điện tăng 3% từ ngày 4/5/2023, tiền điện mà doanh nghiệp chi trả đã “đội” lên từ 60 - 72 triệu đồng/tháng. Từ khi chưa tăng giá điện đợt 1, 4 tháng đầu năm (từ tháng 1 đến tháng 4), Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh đã lỗ 5 tỷ đồng.

Doanh nghiệp, người dân Hà Tĩnh đề xuất EVN chưa tăng giá điện lần 2

Những tháng đầu năm, các HTX chăn nuôi ở Hà Tĩnh gặp khó do giá lợn thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Trước đề xuất xin tăng giá bán điện của EVN, chị Nguyễn Thị Thu - hộ chăn nuôi tự chủ quy mô lớn tại huyện Cẩm Xuyên cũng cho hay: “Hiện nay, ngành chăn nuôi gặp nhiều bất lợi vì chi phí thức ăn tăng 30 - 40%, giá thuốc thú y, chi phí phòng dịch tăng trong khi giá lợn hơi thấp. 5 tháng đầu năm, giá lợn “xuống dốc”, nhiều thời điểm chúng tôi phải bù lỗ. Tôi đã giảm đàn nái từ 350 con xuống còn 300 con, giảm đàn lợn thịt từ 800 con xuống còn 500 con/lứa".

Cũng theo chị Nguyễn Thị Thu, mặc dù bỏ ra nguồn kinh phí lớn để đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái nhà, song bình quân mỗi tháng cơ sở vẫn phải trả trên dưới 100 triệu đồng tiền điện. Sau lần tăng giá bán điện 3% của EVN, mỗi năm cơ sở chăn nuôi này phải tăng chi phí tiền điện khoảng gần 40 triệu đồng. Nếu tiếp tục tăng giá bán điện thì tình hình sản xuất, kinh doanh của gia đình chị càng chật vật.

Hiện nay, các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên địa bàn cũng “kêu trời” với động thái xin tăng giá bán điện của ngành điện. Chị Trần Thị Phượng (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cho hay, trong tháng 4, gia đình chị dùng 722.000 đồng tiền điện. Tháng 5, nắng nóng cùng với giá bán điện tăng 3%, tiền điện của gia đình tăng lên trên 1.275.000 đồng. Chị Phượng kiến nghị các cơ quan chức năng không nên tiếp tục tăng giá điện trong bối cảnh người dân đang gặp nhiều khó khăn giai đoạn hậu COVID-19.

Doanh nghiệp, người dân Hà Tĩnh đề xuất EVN chưa tăng giá điện lần 2

Người dân cần lựa chọn dây dẫn điện có tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện.

Dự báo tháng 6, 7/2023, nắng nóng tiếp tục gia tăng về cường độ kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến. Để giảm áp lực cho lưới điện và tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân cần sử dụng dây dẫn có tiết diện phù hợp với công suất sử dụng; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng; sử dụng các thiết bị điện dán nhãn tiết kiệm năng lượng; sử dụng bóng đèn led thay cho bóng đèn sợi đốt; bật máy điều hòa khi cần thiết và vừa đủ sử dụng (từ 26oC trở lên và kết hợp quạt); không sử dụng cùng lúc các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng...

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần đầu tư công nghệ thiết bị tiên tiến nhằm chống tổn thất điện năng, sử dụng thiết bị phù hợp với chức năng làm việc.

Các khách hàng sản xuất có trạm biến áp chuyên dùng nên hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm trong các tháng nắng nóng và thực hiện điều chỉnh phụ tải DR (tức là cắt giảm phụ tải không ảnh hưởng đến sản xuất. Đồng thời, cần có phương án, giải pháp tổng thể để tiết giảm được chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, chủ động thích ứng linh hoạt với thị trường và nâng cao tính cạnh tranh...

Chủ đề Công nghiệp, Tiểu thủ Công nghiệp, xây dựng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast