Gọi đó là “cuộc cách mạng”, bởi kể từ khi Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, chuyện xây dựng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn đã được đặt ra. Sau khi Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua, đòi hỏi về việc sớm xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn, trước hết trong giai đoạn 2016 - 2020 đã trở nên cấp bách hơn.
Sau nhiều chậm trễ, cuối cùng, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XIV này, Chính phủ đã chính thức đệ trình Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, với một điểm mấu chốt là dự kiến trong giai đoạn này, tổng vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 là 2 triệu tỷ đồng.
2 triệu tỷ đồng ấy sẽ mang lại một bước ngoặt lớn trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Bởi đây là lần đầu tiên, một kế hoạch đầu tư công trung hạn được lập, giúp khắc phục tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc ra từng năm.
Việc chuyển từ cân đối vốn hằng năm sang cân đối trung hạn 5 năm cả ở tầm quốc gia và các cấp chính quyền địa phương sẽ bảo đảm được nguyên tắc tập trung, thống nhất, tăng cường phân cấp, tăng thêm quyền tự chủ, chủ động hơn cho các bộ, ngành, địa phương và cơ sở.
Và một điều quan trọng, sẽ góp phần quan trọng để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công. Với việc các bộ, ngành, địa phương chỉ được bố trí vốn cho dự án mới sau khi đã bố trí đủ vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, đối ứng các chương trình, dự án ODA, dự án chuyển tiếp, hoàn thành…, sẽ đảm bảo bố trí vốn tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán - “căn bệnh cố hữu” của đầu tư công lâu nay. Và điều đó chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho việc sử dụng từng đồng vốn được thu từ thuế của người dân.
Vẫn có những ý kiến trái chiều xung quanh việc triển khai Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2016 - 2020. Điều ấy là dễ hiểu, bởi bất cứ sự đổi mới nào cũng sẽ vấp phải những phản ứng nhất định, vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm cả yếu tố lợi ích nhóm. Nếu còn phân bổ vốn kế hoạch theo hàng năm, sẽ tái diễn tình trạng hàng năm cấp dưới lên cấp trên, địa phương lên Trung ương xin vốn. Còn “xin - cho” thì còn nhũng nhiều, còn lợi ích cục bộ, cá nhân...
Nhưng có thêm nhiều phản biện xã hội, thêm nhiều đóng góp của các đại biểu Quốc hội cũng là cách để Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 hoàn thiện hơn, hợp lý hơn. Điều này càng quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn, khả năng cân đối vốn đầu tư trong tổng chi ngân sách ngày càng giảm, nên không đáp ứng được các mục tiêu phát triển và yêu cầu đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.
Sẽ là thách thức vô cùng lớn nếu Kế hoạch Đầu tư công trung hạn “vạch ra” con số 2 triệu tỷ đồng, nhưng kế hoạch tài chính 2016 - 2020 lại không đáp ứng được. Chưa kể, còn hàng loạt thách thức khác liên quan việc lựa chọn dự án nào để phân bổ vốn, làm sao để đúng đối tượng, phù hợp với nguồn lực tài chính... để thực sự mang lại một cuộc cách mạng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Bắt đầu một cái mới bao giờ cũng là những khó khăn, thách thức, nhưng không thể chậm trễ nữa trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Cần phải có các giải pháp cụ thể, để huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nhằm thực hiện đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cũng như tăng cường quản lý đầu tư công... Tất cả sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia, một khi nguồn lực hạn hẹp của đất nước được sử dụng đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ, mang lại hiệu quả cao.