Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Tâm tài một thuở còn vang...

(Baohatinh.vn) - Trong rất nhiều niềm tự hào về quê hương Hương Sơn, tôi luôn dành niềm tự hào thành kính nhất về Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Dẫu đã đi xa 228 năm nhưng tâm tài của người trong y thuật lẫn văn chương vẫn còn vang mãi…

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Tâm tài một thuở còn vang...
Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Tâm tài một thuở còn vang...

Bất kỳ lúc nào trở về Hương Sơn, qua thị trấn Phố Châu, tôi cũng hướng mắt về nơi ấy - núi Minh Tự để tìm kiếm bức tượng của Đại danh y trên xanh thẳm ngàn thông. Cả bức tượng và núi non thật hiền từ, thật tĩnh lặng. Phải chăng, người đã chọn trở về quê hương sinh sống, nuôi dưỡng y đức, y thuật cũng chính bởi phong cảnh tĩnh lặng, hiền từ ấy của quê mẹ.

Là con của Tiến sỹ thị lang Bộ Công triều, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sớm được theo cha học tập ở kinh thành Thăng Long và nổi tiếng là cậu học trò thông minh, toàn diện. Cũng giống như những quý tử dòng dõi khác, Lê Hữu Trác cũng được định hướng lập danh, tiến thân bằng con đường khoa cử. Ông từng thi đậu tam trường, rồi theo học binh thư và được sung vào quân đội chúa Trịnh.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Tâm tài một thuở còn vang...

Khu mộ Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở xã Sơn Trung (Hương Sơn - Hà Tĩnh). Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Lê Hữu Trác mang trong mình văn hóa xứ Bắc quê cha và xứ Nghệ quê mẹ. Có lẽ, bởi thế nên trong ông có hội tụ tính cách của 2 miền đất. Ông là người quyết đoán, thẳng thắn, cương trực nhưng cũng rất hiền từ, là người có chí khí thanh cao nên sớm chán nản khi chứng kiến những rối ren, ngang trái của xã hội. Ông nuôi mộng công danh nhưng cũng sẵn sàng vứt bỏ nó khi nhận ra mặt trái của công danh. Sau một thời gian tham gia việc quân chính, viện cớ anh trai mất, ông xin về quê mẹ ở ẩn.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Tâm tài một thuở còn vang...

Về quê mẹ Bảo Thượng (Sơn Quang - Hương Sơn), Lê Hữu Trác dựng nhà bên núi và đặt tên hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, tự nhận mình là người lười biếng để tách mình khỏi chốn quan trường nhiều tranh giành, đấu đá. Tại đây, ông đã sống những tháng ngày ung dung tự tại, đêm ngày ngắm cảnh, đọc sách. Cũng trong những tháng ngày đó, ông bắt gặp được tư tưởng lớn nhất của cuộc đời mình trong một cơn bạo bệnh. Tai qua nạn khỏi, ông nhận thức được rằng, ông không thể để tài năng, trí tuệ của mình bị lãng phí nên quyết tâm theo học nghề thuốc chữa bệnh cho người. Hoài bão lớn của cuộc đời ông - trở thành đại danh y đã được khai sinh tại quê mẹ như thế.

Tích xưa kể lại rằng, trong quá trình nghiên cứu về y thuật, ông thường đọc “Phùng thị cẩm nang” và hiểu được chỗ sâu xa của sách thuốc. Ông Trần Độc là thầy thuốc từng chữa khỏi bệnh cho ông thấy quý mến bèn đem hết những hiểu biết về y học truyền cho ông. Vốn là người thông minh, học rộng, Lê Hữu Trác mau chóng hiểu sâu y lý, tìm thấy sự say mê ở sách y học. Với trí thông minh hơn người lại cẩn trọng trong công việc, Hải Thượng Lãn Ông đã tìm thấy những kiến thức mới về y học, sinh lý học, dược học. Dựa trên thực tế dược liệu Việt Nam, ông cũng đã có những sáng tạo độc đáo, tạo nên nhiều bài thuốc quý hiếm, chữa bệnh cứu người thành công. Đại danh y đã phát hiện 305 vị thuốc nam, sưu tầm, thu thập 2.854 vị thuốc nam hay của các bậc tiền bối, nhất là Nam dược của Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Tâm tài một thuở còn vang...

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác hàng năm được tổ chức long trọng. Ảnh: Tiến Dũng

Nhưng nếu chỉ có điều đó thì sự nghiệp y học của ông cũng chỉ dừng lại là một thầy thuốc giỏi. Và, ông già lười Lê Hữu Trác đã nuôi dưỡng hoài bão của mình bằng việc ấp ủ thực hiện một lý tưởng cao cả hơn là soạn sách và mở trường thuốc để truyền bá y học. Với tâm nguyện “làm sách truyền phương để giúp đời vô tận”, Lê Hữu Trác đã “dựng lên ngọn cờ đỏ thắm trong y giới” qua Bộ Y tông tâm lĩnh.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Tâm tài một thuở còn vang...

Bộ sách là kết quả sau mấy chục năm tận tụy với nghề, miệt mài nghiên cứu rất sâu lý luận Trung y qua các sách kinh điển: Nội kinh, Nam kinh, Thương hàn, Kim quỹ. Các bài thuốc trong sách cũng là kết quả của quá trình tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của Lê Hữu Trác. “Y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, bao gồm đủ các mặt về y học: Y đức, Y lý, Y thuật, Dược, Di dưỡng, được xem là bộ “Bách khoa toàn thư” về y học xuất sắc nhất thời trung đại Việt Nam. “Y tông tâm lĩnh” không chỉ là bộ sách quý về y học mà còn được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về giá trị văn học bởi cách kể chuyện hấp dẫn của tác giả.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Tâm tài một thuở còn vang...

Trong khuôn khổ Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, hàng nghìn tăng ni, phật tử cùng thả những chiếc đèn hoa đăng lung linh sắc màu xuống dòng sông Ngàn Phố ở huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh để cầu quốc thái dân an, câ một năm mới sức khỏe, bình an, hạnh phúc. Ảnh: Thanh Hoài

Tâm tài của Lê Hữu Trác được ghi danh trong rất nhiều sử sách, hàng năm, con cháu họ ở Hải Dương cũng như ở Hà Tĩnh đều làm lễ tế giỗ ông. Đến năm 2003, tại quê mẹ Hương Sơn, tên tuổi, sự nghiệp của ông đã được nhắc nhớ sinh động hơn, thường trực hơn trong lòng hậu thế khi Bộ Y tế đầu tư dự án tôn tạo, tu bổ quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông. Kể từ đó, hậu thế biết đến ông nhiều hơn.

Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông - Tâm tài một thuở còn vang...

Lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông đã được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia

Từ năm 2012, lễ tế giỗ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được tổ chức với quy mô trang trọng hơn thành một lễ hội thành kính. Con cháu và du khách sau khi dâng hương tưởng nhớ Đại danh y còn được tham gia vào các hoạt động văn hóa, cầu sức khỏe, cầu quốc thái dân an. Năm 2015, lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông đã được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Lễ hội vừa mang tính đại diện cao, vừa thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa huyện miền núi Hương Sơn. Lễ hội diễn ra trong mùa trẩy hội nên ngày càng thu hút đông đảo du khách.

Dẫu không cùng thời đại nhưng những giá trị về đạo đức, tư tưởng của Đại danh y Lê Hữu Trác trong y học vẫn còn vang xa, có tính giáo dục đối với thế hệ y, bác sỹ hiện nay…

ảnh: P.V - C.T.V

Thiết kế: huy tùng

Chủ đề Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2

Đọc thêm

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Một số trang thông tin nước ngoài đưa tin về đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.
Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Với nhiều chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thực sự là động lực thúc đẩy công tác dân số trên địa bàn Hà Tĩnh phát huy hiệu quả.
Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Thông qua triển lãm "Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại Hà Tĩnh, người dân sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông, từ đó tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị mà Đại danh y để lại.
 Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Hơn 1.300 trường hợp bệnh nhân nghèo đã được hỗ trợ phẫu thuật tim và mắt từ chương trình của Vinamilk đồng hành cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh với tổng kinh phí hơn 8,2 tỷ đồng.