“Dấu chân” hàng xuất khẩu Hà Tĩnh ngày càng in đậm trên bản đồ thế giới

(Baohatinh.vn) - Sản phẩm “Made in Hà Tĩnh” hiện có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới, trong đó, nhiều mặt hàng đã thâm nhập các thị trường “khó tính” như: Nhật Bản, Australia... Đây là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa tỉnh nhà.

“Dấu chân” hàng xuất khẩu Hà Tĩnh ngày càng in đậm trên bản đồ thế giới

Công nhân Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) may đồ bảo hộ xuất sang Nhật Bản.

Giai đoạn 2016 - 2020, lĩnh vực xuất khẩu của Hà Tĩnh có sự tăng trưởng mạnh. Nếu như năm 2016, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 130,43 triệu USD thì năm 2020, con số này đã hơn 1,2 tỷ USD. Trong 5 năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 3,27 tỷ USD, tăng gấp 6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 56,42%/năm.

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nếu như trước đó, xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng khoáng sản, lâm sản, thủy sản thì giai đoạn 2016 – 2020, các nhóm mặt hàng công nghiệp mới như: thép, sợi, hàng may mặc... chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Có thể kể đến tên tuổi những doanh nghiệp đưa lĩnh vực xuất khẩu đi lên tầm cao mới như: Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa, Công ty CP Chè Hà Tĩnh, công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh, Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh, Công ty CP Sản xuất đầu tư và thương mại TAAD Hà Tĩnh...

“Dấu chân” hàng xuất khẩu Hà Tĩnh ngày càng in đậm trên bản đồ thế giới

Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh duy trì sản xuất trong bối cảnh còn nhiều khó khăn của thị trường xuất khẩu.

Đặc biệt, “cánh cửa” xuất khẩu được mở ra khi thị trường ngày càng đa dạng, các doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết. Trước năm 2014, thị trường xuất khẩu của Hà Tĩnh chủ yếu là Trung Quốc (chiếm hơn 48%) và Lào (chiếm hơn 25%) thì từ năm 2015 tới nay, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh đã có mặt trên 20 nước. Trong đó có nhiều sản phẩm như: chè, gạo, sợi, may mặc đã chiếm lĩnh được một số thị trường “khó tính": Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các nước Trung Đông…

Ông Phạm Văn Túc - Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh chia sẻ: “Sản phẩm của công ty chủ yếu xuất qua thị trường Nhật Bản. Đây là thị trường khó, hàng hóa cần đạt tiêu chuẩn cao nên chúng tôi luôn phải “giữ phong độ” để giữ những mối hàng lâu năm và phát triển những mối hàng mới. Trong những năm vừa qua, nhiều thời điểm hoạt động công ty gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào, đặc biệt năm 2020 bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19, song với sự nỗ lực của cán bộ, công nhân viên, công ty vẫn duy trì ổn định sản xuất kinh doanh”.

“Dấu chân” hàng xuất khẩu Hà Tĩnh ngày càng in đậm trên bản đồ thế giới

Sản phẩm thép của Formosa Hà Tĩnh là mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa cho biết: “Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, tỷ trọng kim ngạch hàng xuất khẩu công nghiệp chế biến như: chè, gạo, sợi, may mặc, thép... đạt cao. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao trong thu ngân sách trên địa bàn. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, không còn lệ thuộc vào thị trường truyền thống; số lượng doanh nghiệp xuất khẩu tăng nhanh”.

Theo đánh giá chung, trong giai đoạn 2016 - 2020 về cơ bản không thực sự thuận lợi cho thương mại quốc tế. Bởi, 5 năm vừa qua là thời kỳ kinh tế thế giới chứng kiến những biến động phức tạp, đa chiều từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đến các biến động về quan hệ kinh tế - chính trị giữa các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt, năm 2020, một năm “thử thách lòng người” với ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Thế nhưng, thành tích xuất khẩu của tỉnh không những được giữ vững mà còn lập nên kỳ tích mới.

“Dấu chân” hàng xuất khẩu Hà Tĩnh ngày càng in đậm trên bản đồ thế giới

Xuất khẩu từ Formosa chiếm 89,67% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.

Tiếp đà tăng trưởng, giai đoạn tới với nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức, tỉnh và ngành công thương xác định đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gắn với dịch vụ logistics. Theo đó, tỉnh đang xây dựng đề án đẩy mạnh phát triển xuất khẩu gắn với dịch vụ logistics giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu phát triển xuất khẩu về cả số lượng và chất lượng, giảm chi phí logistics để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hóa.

Về định hướng hoạt động xuất khẩu thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh các giải pháp hoàn thiện công tác quy hoạch; tập trung cao đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp; xây dựng, cải thiện hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh nói chung và xuất khẩu nói riêng; chú trọng cải cách hành chính phục vụ doanh nghiệp, có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu…

Chủ đề Xuất nhập khẩu

Đọc thêm

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.