Đề nghị công nhận 4 nghề, làng nghề truyền thống

(Baohatinh.vn) - Chiều 23/9, Hội đồng thẩm định tỉnh tiến hành họp xét duyệt hồ sơ xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống năm 2016 cho các đơn vị đăng ký.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Trần Nhật Lam – Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp.

Nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của làng nghề và các sản phẩm đặc thù của nghề truyền thống trên địa bàn, đồng thời gìn giữ, bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề xứng tầm, hàng năm, các địa phương gửi hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hiền Lương: Hồ sơ của địa phương chưa nêu bật được những nét đặc sắc của nghề; nghệ nhân – những người giữ nghề truyền nghề chưa được đề cập trong hồ sơ…

Năm 2016, Hà Tĩnh có 3 làng nghề được đề nghị xét công nhận làng nghề truyền thống là: làng nghề chổi đót Hà Ân (xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà), làng nghề đóng thuyền Trường Sơn (xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ), làng nghề mộc Phổ Trường (xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân); 1 nghề được đề nghị công nhận nghề truyền thống là nghề chế biến nước mắm Xuân Phú (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh).

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ngô Xuân Hồng: Các làng nghề, nghề phải xây dựng được định hướng phát triển, trong đó nêu rõ hình thức tổ chức sản xuất; việc thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác là giải pháp mang tính bền vững, lâu dài

Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo thẩm định hồ sơ của các nghề, làng nghề đề nghị xét công nhận năm 2016, thành viên hội đồng thẩm định đã trực tiếp phản biện, nêu ý kiến cũng như chỉ rõ những điểm ưu điểm, hạn chế trong việc phát triển nghề, làng nghề.

Đa số các ý kiến cho rằng, trong xem xét đề nghị nghề, làng nghề truyền thống cần quan tâm đến vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường; chú trọng xây dựng phương hướng, mục tiêu phát triển làng nghề, nghề cho thời gian tới; hồ sơ đề nghị cần giới thiệu nhiều hơn đến sản phẩm, nghệ nhân làm nghề…

Đại diện lãnh đạo xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà: Xã đã có quy hoạch vùng để phát triển làng nghề và luôn khuyến khích, tạo điều kiện để người dân phát triển nghề làm chổi tại địa phương

Xoay quanh nội dung được hội đồng nêu ra, đại diện lãnh đạo địa phương và làng nghề, nghề cũng giải trình thêm các thông tin liên quan như: quá trình hình thành, hoạt động sản xuất kinh doanh, vấn đề vệ sinh môi trường của nghề, làng nghề…

Tổng hợp các ý kiến từ cuộc họp, thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu và nhất trí đề nghị UBND tỉnh công nhận làng nghề chổi đót Hà Ân và làng nghề đóng thuyền Trường Sơn là làng nghề truyền thống; làng nghề mộc Phổ Trường và nghề chế biến nước mắm Xuân Phú là nghề truyền thống.

Nghề đóng thuyền Trường Sơn

Kết luận cuộc họp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Trần Nhật Lam – Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định yêu cầu các địa phương tiếp tục bổ sung nội dung còn thiếu, khắc phục các tồn tại để Hội đồng sớm có đầy đủ căn cứ gửi UBND tỉnh xem xét công nhận.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói