Dễ như nghề... thợ xây!

(Baohatinh.vn) - Khi lĩnh vực xây dựng “lên ngôi”, cũng là lúc thợ xây trở thành nghề dễ ăn nên làm ra trong khối nghề lao động. Cùng với những niềm vui về việc làm, thu nhập là những cảnh báo liên tục về tính mạng và sức khỏe của những người cầm bai. Trên thực tế, vấn đề đặt ra vẫn là công tác quản lý.

Bỗng dưng… thành thợ

Anh Nguyễn Văn Việt (thôn 1, xã Cẩm Thành, Cẩm Xuyên) bộc bạch: “3 con đang tuổi ăn học, 2 vợ chồng chỉ có 4 sào ruộng, không đi xây thì biết làm nghề gì”. Câu chuyện của anh Việt cũng là câu chuyện của hàng trăm nghìn lao động làm nghề thợ xây hiện nay. Thời điểm nông nhàn, người nông dân lại thành thợ. Điều đáng nói là ngoài những tốp thợ tự phát còn có nhiều tốp do các chủ thầu đứng ra tổ chức, kêu gọi.

Dễ như nghề... thợ xây! ảnh 1
Những người thợ xây thường xuyên đối mặt với rủi ro do nhà thầu không trang bị phương tiện bảo hộ, công tác quản lý lỏng lẻo.

Anh T.H.H. (Thạch Điền, Thạch Hà) vốn là nông dân với trình độ lớp 7, sau nhiều năm làm thợ, từ 2008 lại nay đã tách ra, trở thành ông “thầu” với gần 20 lao động. Địa bàn của anh đã mở rộng sang các huyện Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh, Can Lộc, Kỳ Anh… với việc nhận thi công nhiều công trình như trường học, nhà văn hóa, đường giao thông, nhà ở và các công trình dân sinh.

Anh D.V.B. (thị trấn Thạch Hà), người từng thầu xây dựng cho biết, việc trở thành nhà thầu rất dễ, ai cũng có thể làm được, nhiều người trình độ lớp 2, lớp 3. Ở Thạch Đồng, Thạch Môn, Thạch Hạ, có nhiều nhà thầu không lập công ty mà tự gọi thợ đi làm.

Con đường thành thợ và nhà thầu khá đơn giản, đây có thể xem là lý do xảy ra các sự cố trong quá trình thi công cũng như các vấn đề về an toàn lao động (ATLĐ). Đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, có trường hợp dẫn đến tử vong do không tuân thủ các điều kiện về đảm bảo ATLĐ.

Quản lý lỏng lẻo

Để có số liệu khái quát về số lao động làm nghề thợ xây, chúng tôi đã gặp ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Việc làm & ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH). Ông Dũng cho hay: “Không thể thống kê chi tiết con số này trong hàng trăm nghìn lao động”.

Ngành lao động không nắm được số liệu cụ thể thì thật khó có thể dự báo, khuyến cáo về thực hành nghề. Đối với các địa phương cơ sở, theo thông tin từ nhiều phía, thì chính quyền nơi đây không quản lý đội ngũ lao động theo nghề này, nhất là những người làm nghề tự phát, tự thành lập tổ làm việc theo thời vụ. Do đó, các hoạt động nhằm giúp người thợ xây tự bảo vệ mình bằng kỹ năng nghề và các trang thiết bị bảo hộ cũng khó thực hiện. Đối với các công ty xây dựng, mặc dù có nhiều ngành quản lý, giám sát nhưng trên thực tế, việc sai phạm trong đảm bảo ATLĐ cho công nhân xảy ra khá nhiều.

Ông Phạm Bá Anh - Trưởng BQL các dự án xây dựng cơ bản huyện Can Lộc cho hay: Trên địa bàn có trên 50 doanh nghiệp xây dựng; mặc dù việc thực hiện các quy định, quy tắc về ATLĐ, cung cấp trang thiết bị bảo hộ cho công nhân đã có nhiều chuyển biến nhưng nhìn chung, vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Theo anh B. - người đã bỏ nghề thầu xây dựng mà chúng tôi đã đề cập: “Việc thành lập công ty xây dựng hiện nay khá dễ. Trong quá trình thi công, các nhà thầu ít khi thực hiện đúng thiết kế về lán trại, khu nghỉ ngơi và các điều kiện đảm bảo sức khỏe cho công nhân”.

Những công ty xây dựng năng lực quản lý, chuyên môn kém, nhất là các tổ liên kết tự phát, những nhà thầu tự gọi “quân” để thi công không thực hiện đầy đủ các quy định. Thiết nghĩ, đã đến lúc, nghề thợ xây cần có cơ chế quản lý tốt hơn, vừa đảm bảo thu nhập cho người lao động, vừa bảo vệ họ trong quá trình làm việc.

Chủ đề Lao động việc làm

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.