Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) tổ chức hội thảo tham vấn về xu hướng di cư và các giải pháp phòng ngừa di cư trái phép. Tham gia hội thảo có đại diện các sở, ngành liên quan, hội LHPN các huyện, thị đã và đang triển khai dự án.
Hoạt động phòng ngừa di cư trái phép từ Việt Nam sang Úc bằng tàu thuyền được Hội LHPN Hà Tĩnh phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế và các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện từ năm 2014 đến nay trên địa bàn 17 xã, phường thuộc 5 huyện, thị xã: Nghi Xuân, Lộc Hà, Can Lộc, Kỳ Anh và Hồng Lĩnh.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Việt Hà khai mạc hội thảo.
Các đơn vị liên quan đã tổ chức được 14 sự kiện truyền thông cộng đồng - sân khấu hóa (1.000 người/cuộc), 29 cuộc truyền thông nhóm nhỏ, 6 cuộc diễn đàn đối thoại chính sách; 12 cuộc hội thảo, tập huấn chuyên sâu cho 55 tuyên truyền viên cấp cơ sở về kiến thức, kỹ năng truyền thông;
Xây dựng 15 pa nô lớn đặt tại các trụ sở, địa điểm công cộng; phát trên 30.000 tờ rơi, sổ tay các thông tin liên quan đến di cư, xuất khẩu lao động…; tổ chức 140 lượt tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của các xã, phường thực hiện dự án.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Lê Thị Mai Hoa: Hằng năm, Hà Tĩnh có từ 5.000 - 6.000 người xuất khẩu lao động. Năm 2020, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên toàn tỉnh chỉ có khoảng gần 700 người đi xuất khẩu lao động.
Thông qua các hoạt động đã có trên 60.000 lượt người được tiếp cận các nội dung của dự án. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống di cư trái phép, cung cấp các kênh di cư an toàn và phòng chống mua bán người. Các hoạt động được cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân tham gia và Tổ chức IOM đánh giá cao.
Tiếp nối các kết quả hoạt động các giai đoạn trước, hoạt động phòng chống di cư trái phép từ Việt Nam sang Úc bằng tàu thuyền giai đoạn VI mở rộng sẽ được triển khai ở xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên.
Tại hội thảo, đại diện các ngành, địa phương đã trao đổi về tình hình, thực trạng di cư và xu hướng di cư của lao động Hà Tĩnh trong thời gian tới, phân tích sự gia tăng của thực trạng xuất nhập cảnh bằng đường bộ trái phép, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với việc tham gia xuất khẩu lao động hiện nay...
Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phó trưởng Phòng Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh: Một số xã có lượng người di cư trái phép lớn như: Thạch Kim (Lộc Hà); Mỹ Lộc (Can Lộc); Cẩm Vịnh, thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên).
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã chia nhóm thảo luận về những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong phòng chống di cư trái phép và đề xuất các giải pháp phòng ngừa như: tăng cường công tác tuyên truyền, ban hành chính sách hỗ trợ người lao động làm việc tại quê hương, quản lý chặt chẽ hoạt động di cư, xử lý nghiêm các trường hợp di cư trái phép...