Vào rạng sáng nay 10/4 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày đối với 75 nước, trong đó có Việt Nam. Đây là tin vui đối với Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh (TX Kỳ Anh) bởi doanh nghiệp này có đến 40% hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Tuy vậy, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang "leo thang" khi Mỹ áp thuế đối với Trung Quốc lên đến 125%, doanh nghiệp nhận định thị trường xuất khẩu thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn, gây tác động trực đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của đơn vị.

Ông Trần Bảo Khánh – Trưởng phòng nhân sự Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh cho biết: “Trước những biến động về thị trường trong thời gian gần đây, công ty tích cực tìm kiếm các giải pháp để biến thách thức, khó khăn thành thuận lợi. Chúng tôi đã và đang nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng ở các nước châu Âu, Hàn Quốc nhằm không bị lệ thuộc vào thị trường truyền thống Mỹ, Nhật Bản. Bước đầu, giải pháp tìm kiếm đối tác mới đã có nhiều tín hiệu tích cực, công ty vẫn duy trì nhịp độ sản xuất và đang giữ ổn định việc làm cho gần 400 lao động".
Theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2025, Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh sản xuất 306.000 sản phẩm (tăng 30% so với cùng kỳ), qua đó đạt doanh thu 473.000 USD (tăng 35% so với cùng kỳ). Ngoài giải pháp tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh đang hướng tới ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất để nâng cao năng suất và tiết giảm chi phí.

Cũng ứng phó với những kịch bản có thể có nhiều biến động đối với mặt hàng xuất khẩu trong thời gian tới, Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) đang làm việc với đối tác của mình là Nhật Bản để đánh giá tác động, dự báo rủi ro.
“Trong bối cảnh mới, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm thị trường trong nước và các nước Đông Nam Á, châu Âu... Bởi vậy, công ty dự báo thời gian tới sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất gắt gao từ thị trường. Hiện nay, ngoài đối tác Nhật Bản, chúng tôi đang tìm kiếm và mở rộng thêm các thị trường khác để không bị lệ thuộc bạn hàng truyền thống”, ông Phạm Đình Nhân - Giám đốc Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Để đạt mục tiêu doanh thu 60 tỷ đồng vào cuối năm 2025, Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh đang chú trọng đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại; đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động; chủ động ứng dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất; nghiên cứu các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm... 3 tháng đầu năm, sản lượng của doanh nghiệp này đạt 260.000 sản phẩm với doanh thu 20 tỷ đồng (đạt 33% kế hoạch năm 2025).
Còn tại Công ty CP May Xuất khẩu MTV (CCN Bắc Cẩm Xuyên), nhờ chốt đơn hàng đến hết quý II/2025 nên hiện nay, doanh nghiệp vẫn đảm bảo việc làm cho hơn 150 lao động. Thay vì lựa chọn những đơn hàng dài ngày với số lượng lớn, Công ty CP May Xuất khẩu MTV đang tập trung nâng cao tay nghề cho công nhân để có thể gia công, nhận những đơn hàng ngắn ngày nhằm tăng sản lượng, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Trọng Việt - Giám đốc Công ty CP May Xuất khẩu MTV cho biết: "Trong bối cảnh ngày càng siết chặt hàng rào thuế quan, chắc chắn, giá nguyên liệu sẽ leo thang, chi phí logistics tăng, đẩy doanh nghiệp vào tình thế đầy thử thách. Tuy nhiên, trong khó khăn, chúng tôi sẽ nỗ lực để tìm kiếm cơ hội hợp tác với các bạn hàng mới. Tuy nhiên, để đề phòng rủi ro tăng thuế, doanh nghiệp sẽ từ chối hợp tác những đơn hàng mà mình phải chịu mọi chi phí giao hàng tận kho”.
Theo thống kê sơ bộ, Hà Tĩnh hiện có 10 doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất hàng dệt may xuất khẩu, qua đó tạo việc làm cho khoảng gần 5.000 lao động, bao gồm: Công ty May mặc xuất khẩu Apparetech Đức Thọ; Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh; Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh; Công ty CP Sợi Nghệ Tĩnh; Nhà máy May Pro Sports Nghi Xuân; Xí nghiệp May 10 Hà Tĩnh (TX Kỳ Anh); Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh); Công ty CP May Xuất khẩu MTV (CCN Bắc Cẩm Xuyên); Công ty CP May BGG Hương Sơn; Công ty TNHH TMT Bắc miền Trung (TX Kỳ Anh).
Trong đó, một số doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu hàng đi thị trường Mỹ và một số doanh nghiệp gia công hàng đi Mỹ cho các công ty trong nước.

Ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chiến tranh thương mại thế giới có thể căng thẳng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu sẽ phải chịu nhiều tác động. Để duy trì nhịp độ tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp phải linh hoạt, chủ động và sáng tạo nhằm biến khó khăn, thách thức thành thời cơ thuận lợi. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu và tiếp cận mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, xem xét lại chuỗi cung ứng, tìm nguồn nguyên liệu thay thế và cải tiến quy trình để giảm chi phí. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tuân thủ quy tắc xuất xứ, đảm bảo hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu để tìm được lợi thế trong diễn biến khó khăn của thị trường".