Thời tiết thuận lợi, lúa hè thu được cấp đủ nước nên sinh trưởng khỏe để bước vào giai đoạn làm đòng.
Đợt mưa đầu tiên vào ngày 8/7 đúng giai đoạn lúa hè thu bước vào đẻ nhánh. Mưa phủ rộng trên tất cả các diện tích sản xuất toàn tỉnh, “xóa” nỗi lo hạn hán và cung cấp nguồn dinh dưỡng quý cho lúa tăng tốc sinh trưởng.
Đợt mưa mới nhất được tính từ ngày 24/7 đến nay, những cơn mưa xuất hiện vừa đủ cung cấp nước vào chân ruộng và “kéo” nhiệt độ dịu mát, trở thành điều kiện lý tưởng cho lúa kịp đón đòng.
Bà Nguyễn Thị Nga ở xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) cho biết: “Nhìn cánh đồng này không ai nghĩ đầu vụ lúa còi cọc vì thiếu nước. Mấy đợt mưa liên tục cấp nước, cây “bén” nhanh nên chúng tôi tranh thủ bón hai đợt thúc đẻ nhánh và thúc đòng liên tục nhau để cây kịp đà sinh trưởng. Lúa đã làm đòng được hơn gần 1 tuần rồi, đều và rất khỏe”.
Các loại khô vằn, sâu cuốn lá, sâu đục thân… chỉ xuất hiện rải rác.
Theo bà nhẩm tính, chỉ khoảng 12 - 13 ngày nữa, các trà lúa sẽ trổ bông. Mừng nhất là năm nay, lúa hè thu được cả “thiên thời, địa lợi”. Chân ruộng luôn duy trì mực nước cần thiết, thời tiết dịu mát, có mưa kèm theo sấm chớp trở thành lượng đạm tự nhiên quý giá để lúa tạo dinh dưỡng tích hạt cho giai đoạn trổ bông.
Không chỉ thế, năm nay tiếp tục là vụ hè thu thứ hai (sau vụ hè thu 2020), đồng ruộng được đánh giá khá ít sâu bệnh. Các loại khô vằn, sâu cuốn lá, sâu đục thân… chỉ xuất hiện rải rác, chưa đủ mức độ gây hại, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển vừa giảm chi phí cho bà con nông dân.
Ông Nguyễn Hữu Hùng ở thôn 5, xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) cho biết: “Nhà tôi làm 1 mẫu lúa, chủ yếu là các loại giống ngắn ngày nên bây giờ lúa đã vào đòng già. Thời điểm này ở những năm trước, lúc nào bà con cũng phải vác bình trên vai để ra đồng phun phòng trừ sâu bệnh nhưng năm nay chỉ phải phun vào những thời điểm sinh trưởng mạnh của sâu thôi. Như mấy ngày nay, tôi đang phun thuốc kích trổ và phòng trừ bệnh khô vằn”.
Ông Nguyễn Hữu Hùng (xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên) phun kích trổ bông và phòng trừ khô vằn cho lúa sau giai đoạn làm đòng.
Theo quan sát trên mặt ruộng, các trà lúa khá đều màu, các vết tích do ảnh hưởng của sâu bệnh rất ít. Thời điểm này, chủ yếu vẫn chỉ có bệnh khô vằn, vài nơi xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ ở diện tích cục bộ. Bà con nông dân phun phòng là chủ yếu.
Tại xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ), toàn bộ diện tích gần 1.000 ha đều phủ đủ nước. Đây là vùng trọng điểm lúa lớn nhất của huyện với nhiều loại giống chất lượng cao như: Nếp 98, BT09, VNR 20… Nhờ sự điều tiết sản xuất hợp lý cộng với thời tiết thuận lợi giúp cho cây trồng đủ đề kháng để chống lại được sự tấn công của sâu bệnh.
Chị Phạm Thị Thúy, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã cho biết: “Các diện tích đã vào giai đoạn phân hóa đòng và phát triển rất tốt. Thời điểm này, thời tiết có mưa, nhiệt độ phù hợp cho giai đoạn sinh trưởng từ làm đòng đến trổ bông. Xã thường xuyên thông báo tình hình sâu bệnh, khuyến cáo bà con phun phòng trừ sâu bệnh đúng thời điểm, nhất là ở những chân ruộng xanh non, khu vực có ổ dịch cũ để chủ động trong sản xuất”.
Đây là giai đoạn phát triển quan trọng, bà con nông dân phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra các loại sâu bệnh.
Không chỉ ở những địa phương trọng điểm lúa, kể cả ở những vùng đất khó sản xuất như: Lộc Hà, Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh… thời điểm này, lúa hè thu phát triển đúng các giai đoạn sinh trưởng, ít sâu bệnh.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: “Sau trận mưa lớn vào ngày 8/7 đến nay, thời tiết diễn biến tốt, giúp cây lúa sinh trưởng khỏe và đồng đều trên tất cả các địa phương.
Bên cạnh đó, việc bố trí nhiều loại giống lúa mới, nhiều dòng lúa chất lượng cộng với công tác phòng trừ sâu bệnh chủ động ở các địa phương đã giúp cho vụ sản xuất lúa hè thu gặp nhiều thuận lợi. Hiện nay, các trà lúa đang ở giai đoạn làm đòng, dự kiến sẽ trổ từ 10/8 tới”.