Sáng 12/6, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Hà Tĩnh tổ chức Hội thảo phổ biến và tập huấn cơ chế chia sẻ lợi ích của Đề án giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.
Hội thảo nhằm thực hiện Kế hoạch 2020 của Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam – giai đoạn 2” (FCPF-2) với mục đích xây dựng, hoàn thiện cơ chế chia sẻ lợi ích và cách tiếp cận quản lý hợp tác thích ứng trong khuôn khổ Đề án Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.
Ông Hà Văn Trà - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT Hà Tĩnh: Nguồn chi trả phải bảo đảm công bằng, đóng góp cho việc cải thiện sinh kế của cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng.
Đề án giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ là đề án đầu tiên về chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam với mục tiêu giai đoạn 2018 - 2025 giảm phát thải khoảng 25 triệu tấn khí CO2; trong đó có 10,3 triệu tấn CO2 có thể sẽ nhận được khoản lợi ích các-bon từ nguồn chi trả dựa vào kết quả từ Quỹ đối tác các-bon trong lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới với đơn giá khoảng 5 USD/tấn.
Theo đó, đề án sẽ tiếp cận nguồn tài chính khoảng 51,5 triệu USD từ nguồn quỹ này và được chi trả cho các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư khu vực miền núi tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.
Bà Phạm Minh Thoa – Chuyên viên tư vấn, cán bộ Dự án Trung ương giới thiệu tổng quan kế hoạch chia sẻ lợi ích trong khuôn khổ Đề án giảm phát thải
Tại hội thảo, các đại biểu được chuyên gia tư vấn giới thiệu tổng quan về cơ chế, kế hoạch chia sẻ lợi ích và cách tiếp cận quản lý hợp tác thích ứng (ACMA) trong khuôn khổ của đề án.
Trong đó, nguồn chi trả phải bảo đảm công bằng, đóng góp cho việc cải thiện sinh kế của cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng; hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng.
Ông Hoàng Xuân Tài - Phó Ban quản lý Rừng phòng hộ Hương Khê: Cần xác định đầu mối trong việc chi trả cho công đồng, đồng thời xem xét chi trả ủy thác cho các chủ rừng, hộ gia đình không thông qua tài khoản ngân hàng.
Tại hội thảo, các đại biểu đóng góp ý kiến tham vấn như: vai trò, lợi ích của các bên tham gia; cách tính các-bon, cơ chế quản lý, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong chi trả dịch vụ môi trường rừng; sự cần thiết phải có Sổ tay vận hành, Sổ tay quản lý hành chính... để hướng dẫn chi tiết, đáp ứng yêu cầu quản lý nguồn chi trả dựa vào kết quả.