Từ lỗi canh tác…
Theo biên bản làm việc đánh giá chất lượng một số vườn cam tại thôn 4, xã Hương Thủy của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, nguyên nhân cơ bản khiến cam kém chất lượng là do canh tác. Trong đó, từ chăm sóc đến phòng chống dịch bệnh trên cây cam đều chưa đảm bảo đúng quy trình.
Khi so sánh với cây cam phát triển bình thường trong vườn thì rễ cây cam kém chất lượng bị thối đen.
Ông Nguyễn Thừa Lộc - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê cho biết: “Tại vườn cam của anh Thiều Sỹ Hùng (thôn 4, xã Hương Thủy), 300 gốc cam kém chất lượng mà người dân gọi là cam “dại”, cam “ngây” thì quả không sáng, không ngọt, mẫu mã không đẹp và thua xa những gốc cam khác trồng trong vườn. Đặc biệt, khi đào rễ lên để so sánh, rễ cây cam kém chất lượng đã bị thối đen, còn rễ các cây cam khác trong vườn thì vẫn sáng vàng. Cơ quan chức năng kết luận lỗi là do canh tác”.
Được biết, 2 năm trở lại đây, gia đình anh Hùng không thực hiện bón phân đảm bảo quy trình. Riêng đợt lũ lụt năm 2016, vườn cam bị ngập lũ gần chục ngày. Có thể đây là nguyên nhân khiến cây cam bị nghẹt rễ, thối rễ nên không thể hút dinh dưỡng và cho quả chất lượng. “Chúng tôi khẳng định là do lỗi canh tác. 2 năm trở lại đây, gia đình không thực hiện bón phân ở 300 gốc cam kém chất lượng nữa. Vì thế, mới có sự không đồng nhất về chất lượng trong cùng một vườn cam mặc dù gia đình mua giống cùng một nơi” – lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê nhấn mạnh.
... Đến không đồng nhất về giống
Tại vườn cam của anh Trần Đình Dũng (thôn 4, xã Hương Thủy), vùng đất của gia đình không thuận lợi cho phát triển cây ăn quả. Đánh giá qua hình thái, cơ quan chức năng nhận định bộ khung vườn rất đẹp, khung tán của cây rất to khỏe, chưa có biểu hiện bệnh. Về quá trình chăm sóc, gia đình đầu tư đạm và phân hóa học quá nhiều dẫn đến cây phát triển quá khỏe, quả thô, không đảm bảo chất lượng. Sau 3, 4 năm bón nhiều đạm quá dẫn đến môi trường đất kém, vườn cam không thể phát triển mà ngày một suy thoái.
Anh Phan Văn Huân - Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: “Vườn anh Dũng có biểu hiện giống không đồng đều, trên cây biểu hiện nhiều hình thái, đặc biệt là quả cho ra nhiều hình thái khác nhau. Tuy nhiên, giống của vườn anh Dũng lấy ở nhiều nơi khác nhau nên giờ không thể khẳng định là lấy giống từ nhà ai dẫn đến chất lượng kém”.
Được biết, gần 1.000 gốc cam của gia đình anh Dũng được lấy từ nhiều cơ sở, trong đó có Vườn ươm Việt (Hương Long) và cơ sở ông Sơn (Phúc Đồng).
Liên quan đến vấn đề chất lượng giống, anh Trần Kim Việt - Giám đốc Công ty TNHH Vườn ươm Việt cho biết: “Dù chưa khẳng định được là do giống của cơ sở nào nhưng riêng doanh nghiệp chúng tôi, khi cung cấp giống cho bà con, có chính sách chia sẻ rủi ro không mong muốn. Vì vậy, chúng tôi xin từ 5-10 cây của gia đình anh Dũng để cải tạo. Nếu sau 1 năm cải tạo mà chất lượng không đảm bảo thì mới kết luận được là do giống hay do cách chăm sóc”.
Sau cuộc làm việc đánh giá chất lượng một số vườn cam tại thôn 4, xã Hương Thủy của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, cơ quan chức năng khuyến cáo người trồng cam Hương Thủy trước khi phá bỏ vườn cam để trồng mới thì cần xác định cụ thể nguyên nhân.
“Lỗi hầu như là do canh tác nên nếu chặt bỏ để trồng lại thì chắc chắn sẽ lặp lại hiện tượng trên nếu các hộ dân không thực hiện cải tạo đất. Phát triển cây cam hiện đang theo kiểu đầu tư quảng canh trong khi nguồn nhân lực không có. Thời gian tới, bà con nên tập trung phát triển theo hướng thâm canh, mở rộng dần từng bước trên cơ sở nâng cao kiến thức về chăm sóc”. - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê Nguyễn Thừa Lộc nhấn mạnh.