Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ thì việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong hoạt động khám, chữa bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng và là xu thế tất yếu. Điều này đòi hỏi các cơ sở khám chữa bệnh phải tăng cường đầu tư đồng bộ trang thiết bị và hệ thống các phần mềm chuyên dụng để đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Tại BVĐK tỉnh, với vai trò là cơ sở y tế đầu ngành, là tuyến cuối của hệ thống y tế tỉnh nhà nên việc ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị được bệnh viện hết sức chú trọng.
Phó Trưởng phòng Công nghệ thông tin (BVĐK tỉnh) Phan Quốc Toản cho biết: “Để vận hành hiệu quả hoạt động thăm khám, điều trị, thời gian qua, bệnh viện đã bỏ ra kinh phí lớn để đầu tư đồng bộ hệ thống trang bị máy chủ, hệ thống máy tính. Cùng với đó, bổ sung hệ thống KIOSK tự đăng ký khám bệnh và máy quét mã vạch phục vụ khám chữa bệnh. Đặc biệt, bệnh viện là một trong những cơ sở đầu tiên trên địa bàn triển khai ứng dụng các phần mềm như: quản lý bệnh viện (HIS), hệ thống lưu trữ trên hình ảnh (PACS), các chương trình bảo mật thông tin, dữ liệu, bảo đảm an toàn mạng… Để sử dụng được các phần mềm này, đơn vị phải trả chi phí thuê hằng tháng cho nhà cung cấp dịch vụ với chi phí không hề nhỏ”.
Ngoài ra, để thực hiện được quy định hồ sơ bệnh án điện tử theo Thông tư 46/2018/TT-BYT, ngày 28/12/1018 theo đúng lộ trình của Bộ Y tế đòi hỏi BVĐK tỉnh phải đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống máy móc như: máy chủ, máy tính cá nhân, phần mềm quản lý, vận hành và các phần mềm đi kèm… với chi phí ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.
Còn tại Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà, để phục vụ tốt nhất cho người dân đến thăm khám, điều trị, đơn vị đã đầu tư 2 máy tra cứu thông tin KIOSK để người dân tự đăng ký khám bệnh. Đây là đơn vị y tế tuyến huyện đầu tiên triển khai được hạng mục này, tạo được sự thuận lợi trong hoạt động tiếp đón, thăm khám. Ngoài ra, trung tâm còn đầu tư hạ tầng, thiết bị và hệ thống phần mềm để liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử, giấy chứng sinh, báo tử điện tử, liên thông đơn thuốc quốc gia… Đặc biệt, đến nay, 22 trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn đã được trung tâm đầu tư hệ thống máy quét mã vạch, phục vụ hiệu quả cho việc thực hiện Đề án 06.
Bác sỹ Nguyễn Thế Phiệt – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà cho biết: “Khi yêu cầu về chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh ngày một lớn thì đòi hỏi chi phí đầu tư phải tương xứng. Tuy nhiên, trong kết cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh lại chưa có chi phí về CNTT, mặt khác, đơn vị lại đang tự chủ nhóm 2 nên gặp rất nhiều khó khăn về nguồn kinh phí. Chính vì vậy, để gỡ khó, đòi hỏi phải sớm xây dựng kết cấu giá dịch vụ y tế một cách phù hợp”.
Thực tế ở BVĐK tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà cũng là tình trạng chung của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh ta hiện nay.
Theo báo cáo đánh giá từ Sở Y tế về công tác chuyển đổi số, đến nay, các cơ sở khám, chữa bệnh đều đã triển khai các phần mềm như: quản lý khám, chữa bệnh, hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm tiêm chủng, phần mềm kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, phần mềm kê đơn thuốc điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinDr trong chẩn đoán hình ảnh; triển khai hệ thống tư vấn, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa từ tuyến Trung ương đến tuyến tỉnh và tuyến huyện; 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đều đã triển khai hoạt động khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VneID, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt...
Ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh đã từng bước tạo sự hài lòng cho người dân. Tỷ lệ hài lòng qua khảo sát của ngành Y tế Hà Tĩnh đối với các cơ sở khám, chữa bệnh luôn đạt trên 90%.
Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở y tế, nhất là các cơ sở thực hiện tự chủ đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực. Nguyên nhân là do giá dịch vụ y tế chưa tăng và chưa kết cấu đầy đủ các thành phần, chưa kết cấu chi phí ứng dụng CNTT vào chi phí khám chữa bệnh.
Đặc biệt, việc thực hiện lộ trình xây dựng bệnh án điện tử đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn càng khiến cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Để giúp các cơ sở khám chữa bệnh khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công cuộc chuyển đổi số, Sở đang kiến nghị với Bộ Y tế, đưa kết cấu ứng dụng CNTT vào giá dịch vụ khám, bệnh chữa bệnh. Đây là giải pháp quan trọng để gỡ khó, tạo động lực cho các cơ sở y tế đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh án điện tử.