Hình dạng con sâu keo mùa thu - loài sâu mới xâm nhập vào Việt Nam (ảnh Internet)
Vào đợt đầu tiên (giữa tháng 4/2019), sâu keo mùa thu được phát hiện tại vùng sản xuất ngô của các xã Kỳ Lạc, Kỳ Sơn, Kỳ Giang (huyện Kỳ Anh). Trong đó, gây hại nặng nhất trên giống HN68 và HN88 với mật độ trung bình 5 - 7con/m2, nơi cao 15 - 20 con/m2. Diện tích bị tấn công được xác định là 22 ha.
Chưa dừng lại ở đó, sâu tiếp tục phát sinh và lan rộng. Số liệu đến cuối tháng 7/2019 cơ quan Bảo vệ thực vật tỉnh cho hay, sâu keo mùa thu phát sinh gây hại tại xã Gia Phố, Hương Vĩnh (Hương Khê); Sơn Kim, Sơn Tây (Hương Sơn); Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên). Mật độ phân bố ở vào mức trung bình từ 5 - 7 con/m2, nơi cao 10 - 15 con/m2 với diện tích nhiễm 30 ha trên các giống NH68, NK7328, CP511, CP11,...
Ngô được sản xuất quanh năm tại Hà Tĩnh, vì thế mà càng có nhiều tiềm ẩn cho sâu keo mùa thu lưu trú và gây hại
Trước mắt, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương tổ chức diệt trừ kịp thời sâu keo mùa thu trên những diện tích ngô bị sâu gây hại. Theo đó, ở giai đoạn này chưa sử dụng thuốc hóa học mà ưu tiên sử dụng các biện pháp bắt thủ công (đặt bẫy). Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về diễn biến tình hình sâu keo mùa thu và kỹ thuật phòng trừ theo hướng dẫn đến tận bà con nông dân.
Hiện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh đang tiếp tục đánh giá nhằm xác định các giống ngô có khả năng kháng, chống chịu với sâu keo mùa thu để thông tin, hướng dẫn nông dân sử dụng, thay thế các giống ngô đã bị loại sâu này gây hại nặng.
Sâu keo mùa thu có tên khoa học Spodoptere frugiperda J.E. Smith, thuộc Bộ cánh vảy (Lepidoptera), Họ ngài đêm (Noctuidea) là loài sâu hại mới, xâm nhập vào nước ta từ tháng 4/2019. Đây là loài sâu đa thực, phàm ăn, có khả năng di trú xa, phát tán mạnh, gây hại nặng. Đặc biệt là trên các loại cây trồng như: ngô và các loại cây trồng khác như lúa, lạc, rau... |