Lượng mưa giảm 10 - 25% so với TBNN
Theo nhận định, nhiệt độ trung bình khu vực Hà Tĩnh từ tháng 4 đến tháng 8/2019 phổ biến ở mức cao và cao hơn cùng kỳ của trung bình nhiều năm từ 1- 1,5 độ C. Trong đó, các đợt nắng nóng cao điểm sẽ tập trung từ tháng 5 đến tháng 8 với nhiệt độ cao nhất có khả năng 40 - 41 độ C, trùng với thời điểm sản xuất vụ hè thu 2019.
Giám đốc Đài KTTV Trần Đức Bá: Dự báo lượng mưa năm 2019 giảm từ 10- 25% so với trung bình nhiều năm
Cùng đó, lượng mưa được dự báo có khả năng sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Theo số liệu phân tích từ Đài KTTV, lượng mưa 3 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 58% so với TBNN. Đây là năm thứ hai liên tiếp có lượng mưa 3 tháng đầu năm đạt thấp. Lượng mưa đang có xu hướng giảm dần kể từ năm 2018 đến nay.
Về mực nước ở các hồ, đập, mặc dù nguồn nước tưới đầu vụ vẫn đạt 99% so với kế hoạch, song chưa đạt được dung tích của cùng kỳ năm 2018. Do vậy, tình trạng thiếu nước, hạn hán có nguy cơ xảy ra cao ở một số nơi không chủ động thủy lợi.
Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Ngô Đức Hợi: Thực trạng chung, dù hàng năm tổng lượng nước cân đối đủ từ đầu vụ, song vẫn xảy ra hạn hán một số vùng do quá trình vận hành, điều tiết.
Đối với tình hình sâu bệnh, liên đới từ vụ xuân 2019, sản xuất hè thu 2019 tiếp tục phải đối mặt với nạn chuột (diện tích bị phá hại gần 1.000 ha); bệnh khô vằn (1.500 ha lúa xuân bị nhiễm); rầy nâu, rầy lưng trắng gây bệnh lùn sọc đen; sâu cuốn lá nhỏ…
BQ, Thiên ưu 8 được bổ sung vào bộ giống chủ lực
Để sản xuất vụ hè thu - vụ mùa 2019 “ăn chắc”, né tránh thiên tai, Sở NN&PTNT đề xuất sản xuất 44.181 ha lúa hè thu, 464 ha lúa mùa. Cây trồng cạn có: đậu (6.535 ha); ngô (gần 2.600 ha); lạc (632 ha); khoai lang (747 ha); rau (trên 2.400 ha); vừng (400 ha).
Từ vụ hè thu 2019, cơ cấu giống chủ lực có thêm giống BQ
Theo đó, bố trí 12 giống chủ lực, có thời gian sinh trưởng dưới 115 ngày. So với các năm trước, cùng với PC6, TH3-3, TH3-5, Xuân mai 12, KD 18, KD ĐB, VTNA2, HT1, Nếp 87, Nếp 98 thì vụ hè thu năm nay, nhóm giống chủ lực được bổ sung hai giống mới: BQ và Thiên ưu 8.
Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng “khoanh vùng” khu vực với một số giống như VTNA2, không bố trí vùng đất cát, sâu trũng, đất chua; BQ bố trí vùng vàn thấp, bắc mạ cấy…
Thời vụ gieo cấy các trà sẽ kết thúc trước 10/6/2019 đối với lúa hè thu và 30/7 đối với lúa mùa.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ Nghiêm Sỹ Đông: Vụ hè thu 2019, Đức Thọ cơ cấu hai trà, trong đó 1.500 ha trà chạy lụt sẽ bố trí giống BQ và Thiên ưu 8 để đảm bảo thời gian sinh trưởng ngắn, thu hoạch trước 30/8.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đánh giá cao ngành nông nghiệp trong việc vào cuộc quyết liệt, có hiệu quả trong chỉ đạo sản xuất, phòng chống dịch bệnh, phản ứng tình huống khẩn cấp trong vụ xuân 2019, nhất là tinh thần chủ động với nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện phòng trừ sâu bệnh; kiểm soát nguồn gốc thuốc BVTV; phòng chống dịch tả lợn Châu Phi.
Phó chủ tịch UBND tỉnh nhận định: Diễn biến thời tiết của năm 2019 nhiều bất thường, xuất hiện các kiểu thời tiết hiếm gặp. Đây chính là cơ sở thực tế để ngành nông nghiệp theo dõi, đánh giá tổng thể tình hình sản xuất trong điều kiện thời tiết khó khăn.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, chủ động thời vụ ứng phó với biến đổi khí hậu; có giải pháp hạn chế thấp nhất diện tích bỏ hoang. Chú trọng hàng đầu cho phòng trừ dịch hại cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là theo dõi, kiểm soát tốt dịch tả lợn Châu Phi.
Các đơn vị điều hành nước phải vận hành hệ thống tưới chủ động, hợp lý, tiết kiệm; ưu tiên cho nước sinh hoạt, đảm bảo an toàn hồ đập nhưng phải đủ nước tưới cho các diện tích trong kế hoạch. Quan tâm chống hạn cho cây ăn quả.
Đối với tái cơ cấu nông nghiệp, cần quan tâm đến tái cơ cấu nông nghiệp theo chiều sâu trên từng cây, con một cách cụ thể nhằm lan tỏa các mô hình hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất chuỗi sản phẩm chủ lực.