Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật và bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước đang có nhiều diễn biến phức tạp, Đặc biệt, bệnh lở mồm long móng (LMLM) và dịch tả lợn Châu Phi đã xẩy ra và lây lan tại một số tỉnh phía Bắc (Hưng Yên, Thanh Hoá, Hải Phòng, Thái Bình…) ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chăn nuôi tại các địa phương.
Tại Hà Tĩnh, xã Hương Liên (Hương Khê), Kỳ Sơn (Kỳ Anh) có dịch LMLM gia súc chưa qua 21 ngày. Toàn tỉnh có tổng đàn lợn lớn, chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao, công tác kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, chiều 25/2, Bộ NN&PTNT xác nhận, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại tỉnh Thanh Hóa nên nguy cơ lây lan sang địa bàn Hà Tĩnh là rất cao. Bệnh dịch tả Châu Phi có thể gây chết ở lợn với tỷ lệ cao so với những bệnh khác. Hiện chưa có vắc-xin, thuốc điều trị được bệnh và giải pháp phòng bệnh là chính.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Tuấn Thanh thông báo về tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn toàn tỉnh.
Vì vậy, các loại dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn gia súc, gia cầm như: Dịch tả lợn Châu Phi, LMLM gia súc, tai xanh ở lợn, cúm gia cầm… trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trước những diễn biến mới của dịch bệnh, UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trên cơ sở "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi" (ban hành theo Quyết định số 332/QĐ-UBND ngày 25/1/2019 của UBND tỉnh) khẩn trương phê duyệt kế hoạch của địa phương với các hoạt động cụ thể, tương ứng với các tình huống phát sinh trong quá trình phòng chống dịch.
Phó Giám đốc Công ty Golden Star Ngô Như Long chia sẻ cách phòng chống dịch tại các cơ sở chăn nuôi của công ty
Tại hội nghị, các cơ sở chăn nuôi lớn, đại diện các địa phương… cho rằng, để ngăn chặn từ xa dịch tả lợn Châu Phi, cần kiểm soát chặt việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán lợn và các sản phẩm của lợn; phun khử trùng cẩn thận, giám sát qua hệ thống quá trình ra vào tại các trại lợn lớn; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để phát hiện và kịp thời tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, các cấp, ngành và địa phương cần khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn tại các nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh lớn; hướng dẫn người dân thường xuyên tiêu độc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh của từng cơ sở;...
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh: Cần thiết phải có ngay những giải pháp cụ thể, chủ động, khẩn trương tổ chức các biện pháp chống dịch để tránh những thiệt hại đối với người chăn nuôi.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh: “Đến thời điểm này, tại Thanh Hoá đã phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào tỉnh ra đang rất cao, cần phải có ngay những giải pháp cụ thể, chủ động, khẩn trương tổ chức các biện pháp chống dịch để tránh những thiệt hại nặng nề đối với chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y… in tờ rơi hướng dẫn người dân, cơ sở chăn nuôi tiêu độc, khử trùng môi trường; thành lập ban chỉ đạo tại các khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao; bố trí đủ cán bộ chuyên môn, đảm bảo thực hiện kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh động vật.
Kiểm soát vận chuyển gia súc, tiêu độc khử trùng là một trong những giải pháp phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn.
Ngoài ra, phải đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, các dấu hiệu nhận biết lợn nghi mắc bệnh; người chăn nuôi chỉ mua lợn giống từ các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng; mở rộng chăn nuôi ở quy mô hợp lý và sử dụng sản phẩm từ lợn đã được kiểm soát của ngành chức năng.