Sáng 18/9, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh phối hợp với các đối tác khu vực Bắc Trung Bộ tổ chức toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Chuyển dịch năng lượng sạch: Xu thế tất yếu và lợi ích cho địa phương”. Toạ đàm được tổ chức với sự tham gia của 8 điểm cầu: Hà Tĩnh, Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế. |
Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh chủ trì tổ chức buổi toạ đàm.
Toạ đàm nhằm mục tiêu cập nhật tiến bộ về chuyển dịch năng lượng sạch trên thế giới, Việt Nam và khu vực Bắc Trung Bộ; thảo luận các thách thức và rào cản cho phát triển năng lượng sạch ở khu vực; nhấn mạnh lợi thế, cơ hội, lợi ích của phát triển năng lượng bền vững đối với đảm bảo an ninh năng lượng, thu hút đầu tư, phục hồi và tăng trưởng kinh tế xanh.
Cùng đó là đề xuất giải pháp, sáng kiến đột phá để thúc đẩy năng lượng sạch đảm bảo công bằng và bền vững ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh theo dõi thông tin tại buổi toạ đàm trực tuyến.
Nắm bắt xu thế phát triển năng lượng, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành một số chủ trương, chính sách và cơ chế trong đó xác định chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ giá các nguồn năng lượng tái tạo sinh khối, mặt trời, gió…
Đặc biệt, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã tạo những thúc đẩy mạnh mẽ trong việc phát triển năng lượng tái tạo, đề ra những yêu cầu về chính sách đột phá để khai thác triệt để nguồn năng lượng tái tạo, nhất là gió và mặt trời (áp mái và nổi) đảm bảo an ninh năng lượng và thay thế dần cho các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt.
Các điểm cầu tham gia thảo luận những vấn đề trọng tâm về phát triển năng lượng tái tạo tại khu vực miền Trung.
Từ các chủ trương khuyến khích của nhà nước, gần đây, nhiều dự án điện gió và mặt trời cũng được gia tăng, bổ sung vào quy hoạch điện. Tính đến tháng 6 năm 2020, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo đã chiếm khoảng 10% công suất của cả hệ thống điện Việt Nam với khoảng 5.500MW.
Miền Trung là khu vực có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo rất lớn. Với cơ chế hỗ trợ giá đối với các loại hình năng lượng tái tạo, khu vực này đã ghi nhận các dự án với gần 3.000 MW điện năng lượng tái tạo đi vào vận hành, riêng điện mặt trời là khoảng 1.160 MW.
Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) phát điện thành công, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Đối với Hà Tĩnh, sau khi Nghị quyết 55 ban hành, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 2188-CTr/TU ngày 14/4/2020; UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kế hoạch thực hiện thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ chính trị (Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Về quy hoạch dự án năng lượng tái tạo, Hà Tĩnh đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương bổ sung 7 dự án điện mặt trời với tổng công suất 907MWp. 10 đơn vị có văn bản chính thức gửi UBND tỉnh để xin tìm hiểu, khảo sát địa điểm, số liệu gió phục vụ dự án điện gió (trong đó có 1 dự án đã được đồng ý bổ sung quy hoạch với công suất 120 MW); 5 dự án điện sinh khối với tổng công suất 5,4 MW đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét… Ngoài ra, theo số liệu từ Công ty Điện lực Hà Tĩnh, đến 30/7, Hà Tĩnh có 189 dự án điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt, với tổng công suất lắp đặt 11,2 MWp. |
Đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh tham gia đóng góp ý kiến và thông tin về tình hình phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tại toạ đàm đã giành phần lớn thời gian tập trung nghe và thảo luận các nội dung: Những bước tiến mới và cơ hội đầu tư phát triển năng lượng sạch trên thế giới và Việt Nam, khu vực miền Trung...
Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh Đỗ Khoa Văn tổng hợp các ý kiến tại buổi toạ đàm.
Tình hình phát triển năng lượng sạch ở các địa phương (số dự án đã được đề xuất hoặc phê duyệt trong quy hoạch, đang khảo sát, dự án điện mặt trời áp mái, số doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo); điểm nghẽn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp phát triển năng lượng sạch hiện nay…