Hà Tĩnh quyết liệt ngăn chặn tàu cá vi phạm khi chưa xuất cảng

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh đang quyết liệt thực hiện giám sát tàu cá ngay trước khi xuất cảng nhằm tăng cường phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Ghi nhật ký khai thác trở thành thói quen

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhiều tàu cá tại cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà) hối hả chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Cùng việc soạn sửa ngư cụ, nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến biển thì một trong những thủ tục không thể thiếu đối với mỗi tàu cá chính là nhật ký đánh bắt hải sản.

Hà Tĩnh quyết liệt ngăn chặn tàu cá vi phạm khi chưa xuất cảng

Ngư dân nộp nhật ký báo cáo khai thác khi cập cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, Lộc Hà).

Theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về phòng chống khai thác IUU (đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định), ghi nhật ký khai thác thuỷ sản là quy định bắt buộc với tàu cá từ 12m trở lên. Từ khuyến cáo này, Bộ NN&PTNT cũng đã có quy định, đối với tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m, phải nộp báo cáo khai thác thủy sản. Còn đối với tàu từ 12m trở lên buộc phải có nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo chi tiết tọa độ, thời gian khai thác các mẻ lưới, mẻ câu, khối lượng, thành phần loài hải sản theo đúng quy định.

Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh - chủ tàu HT.92108TS (Thạch Kim, Lộc Hà) cho biết: “Hơn 2 năm qua, chúng tôi đã quen dần và thành thạo hơn với việc ghi chép nhật ký khai thác trên biển. Các trang được chia thành những cột nhỏ với chú thích rõ ràng cho từng cột gồm: toạ độ vùng biển khai thác, thời gian, loài hải sản, sản lượng khai thác từng loài hải sản, tổng sản lượng khai thác...”.

Hà Tĩnh quyết liệt ngăn chặn tàu cá vi phạm khi chưa xuất cảng

Tàu cá của ngư dân cập cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, Lộc Hà).

Anh Trần Ngọc Kiên là chủ tàu NA.94355TS chiều dài 24,9m, công suất hơn 600CV chuyên khai thác vùng khơi, thường xuyên cập cảng cá Cửa Sót để xuất hàng và làm các thủ tục cần thiết. Từ khi có quy định về phòng chống khai thác IUU, tàu anh đã nghiêm chỉnh tuân thủ việc ghi chép nhật ký khai thác, duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình trên biển.

Anh Kiên chia sẻ: “Lắp thiết bị giám sát hành trình, tất cả lộ trình khai thác của tàu đều cập nhật về hệ thống phần mềm của Trung ương, của tỉnh nên mình cần phải chấp hành tốt. Đối với nhật ký khai thác, thời gian đầu còn hay bị nhầm lẫn nhưng nhờ sự hướng dẫn của Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, lực lượng bộ đội biên phòng, chúng tôi đã thành thạo trong ghi chép”.

Hà Tĩnh quyết liệt ngăn chặn tàu cá vi phạm khi chưa xuất cảng

Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh - chủ tàu HT.92108TS ghi các thông tin trong nhật ký khai thác thủy sản.

Được biết, trong 7 tháng qua, các cảng cá trên địa bàn Hà Tĩnh có 4.730 lượt tàu cá cập cảng, 4.767 lượt tàu cá rời cảng. Sản lượng thủy sản qua cảng là 1.951 tấn; thu 4.452 nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản đối với các tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên.

Ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Ghi chép nhật ký khai thác mang lại rất nhiều lợi ích cho ngư dân và chủ tàu. Đây cũng là một trong những biện pháp ngăn chặn tình trạng tàu cá xâm phạm lãnh hải các nước. Thời gian qua, lực lượng chức năng ở Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp, từ tuyên truyền vận động, xây dựng chế tài xử phạt, không cho xuất bến, thu hồi giấy phép khai thác… nên công tác ghi chép nhật ký đã có nhiều chuyển biến tích cực”.

Phòng chống khai thác trái phép ngay từ bờ

Thời gian qua, thực hiện kế hoạch, kịch bản đón và làm việc với đoàn thanh tra EC lần 4 về chống khai thác IUU, Hà Tĩnh đang tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên biển. Đồng thời, chú trọng ngăn chặn từ xa các tàu cá nằm trong nhóm có nguy cơ vi phạm khai thác IUU ngay từ trên bờ. Theo đó, các tàu cá không đủ điều kiện sẽ không được ban quản lý cảng cá làm thủ tục xuất cảng đi đánh bắt.

Hà Tĩnh quyết liệt ngăn chặn tàu cá vi phạm khi chưa xuất cảng

Cán bộ Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh theo dõi thông tin khai thác trên biển của ngư dân.

Theo ông Thân Quốc Tế - Phó Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, đơn vị đã lập một nhóm chat zalo bao gồm lãnh đạo các ngành, địa phương: Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng, chính quyền huyện, xã, bộ đội biên phòng… để tổ chức chỉ đạo kịp thời.

“Những tàu cá có nguy cơ cao khai thác bất hợp pháp sẽ được chính quyền địa phương và lực lượng chức năng theo dõi, báo lên nhóm chung zalo. Ban Quản lý sẽ rà soát, từ chối cấp giấy phép rời cảng nếu tàu nào không đảm bảo quy định. Đồng thời, thông báo chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan ngăn chặn từ sớm. Ngoài ra, thông tin các tàu cá mất kết nối, đánh bắt sai vùng, hoạt động gần đường ranh giới cho phép khai thác thủy sản trên biển… đều được thông tin liên tục lên các nhóm” - ông Thân Quốc Tế cho biết.

Đối với chính quyền cấp huyện, các nhóm phòng chống khai thác IUU cũng được thành lập để siết chặt công tác chỉ đạo, theo dõi. Ngoài thông tin, quán triệt các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện; báo cáo công tác kiểm soát tàu thuyền, qua nhóm kín zalo, lãnh đạo địa phương, các ngành chức năng còn nắm bắt các thông tin, vấn đề phát sinh như: cứu hộ, cứu nạn, tàu không đủ điều kiện xuất cảng, tàu giã cào khai thác sai vùng biển… để có hướng xử lý kịp thời.

Hà Tĩnh quyết liệt ngăn chặn tàu cá vi phạm khi chưa xuất cảng

BĐBP Hà Tĩnh phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm soát thực hiện quy định về thiết bị giám sát hành trình.

Ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Thời điểm này, Hà Tĩnh đang tăng cường công tác khai thác, vận hành, sử dụng có hiệu quả hệ thống thiết bị giám sát hành trình để theo dõi, kiểm soát hoạt động của tàu cá trên biển. Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ theo dõi, cung cấp kịp thời thông tin về dữ liệu giám sát hành trình của tàu cá bị mất kết nối trên biển, vượt ranh giới khai thác; tàu cá có dấu hiệu, nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU và các thông tin khác cho cơ quan thực thi pháp luật. Điều này rất cần sự vào cuộc của các sở, ngành và địa phương liên quan trong công tác phối hợp nhằm kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm; thực hiện tốt công tác giám sát sản lượng, thu, nộp nhật ký khai thác".

Căn cứ Điều 25 Nghị định 42/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/07/2019 quy định về xử lý vi phạm nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không nộp báo cáo khai thác thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m đến dưới 12 m theo quy định;

b) Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24m theo quy định.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không có, không ghi, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24m theo quy định.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m theo quy định, trong trường hợp tái phạm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.