Sáng nay (3/10) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Ban chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để trao đổi một số kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch và triển khai một nhiệm vụ trong thời gian tới. Ảnh: Lãnh đạo Sở Y tế chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước. Hiện nay thế giới đã có trên 34,7 triệu người mắc bệnh ở 215 quốc gia, vùng lãnh thổ, với hơn 1 triệu người tử vong. Còn tại Việt Nam dịch đã trải qua 2 đợt với 1.096 người mắc, có 35 tử vong, có 1.020 người được điều trị khỏi. Hiện nay Việt Nam đã qua 30 ngày không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Y tế, nguy cơ dịch vẫn còn rất thường trực ở các địa phương. Chính vì vậy công tác phòng chống vẫn không được chủ quan lơ là.
Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh từ bên ngoài, trong đó tập trung kiểm soát người nhập cảnh vào Việt Nam qua biên giới, nhất là nhập cảnh trái phép; rà soát, quản lý các trường hợp nhập cảnh là chuyên gia. Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, khai báo y tế bắt buộc. Tiếp tục tổ chức thực hiện cách ly theo đúng hướng dẫn của ngành y tế, không để xảy ra lây nhiễm trong các cơ sở cách ly tập trung, khu cách ly ngoài cộng đồng như: khách sạn, nơi cư trú.
Trong công tác xét nghiệm, các địa phương tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch xét nghiệm, phát hiện các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn mới; tăng cường năng lực cung ứng các sản phảm xét nghiệm, sinh phẩm phục công tác xét nghiệm; tiếp tục tập huấn, nâng cao năng lực xét nghiệm cho đội ngũ cán bộ y tế thực hiện công tác phòng chống dịch.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành là thành viên của BCĐ Phòng chống Covid-19 tỉnh tham dự hội nghị.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc giám sát, xử lý ổ dịch tại cộng đồng, trong đó thực hiện quyết liệt phương châm “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả”. Tăng cường phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế, mở rộng triển khai hoạt động đăng ký khám, chữa bệnh, ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, cập nhật thông tin về dịch một cách minh bạch để nâng cao nhận thức cho người dân.
Hội nghị cũng đã được nghe PGS Trần Như Dương – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lưu ý một số điểm trong chống dịch Covid-19 tại thực địa; lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch tại 2 địa phương trong thời gian qua.
Theo báo cáo từ BCĐ Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, đến nay Hà Tĩnh không ghi nhận thêm ca mắc mới; trong đợt 2 toàn tỉnh có 9.775 mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính; cách ly tập trung 13.010 người. Hà Tĩnh đang tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp, quy định, hướng dẫn về phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh do Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid- 19 đã ban hành; không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội của toàn cầu. Chính vì vậy đối với Việt Nam, trong phòng chống dịch là thực hiện mục tiêu kép nhưng hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn, không để dịch bùng phát.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm các nội dung mà Bộ Y tế đã trao đổi tại hội nghị. Đồng thời nhấn mạnh cần phải tập trung kiểm soát tất cả các nguồn bệnh, thực hiện nghiêm túc 5 nguyên tắc trong phòng chống dịch; xây dựng hệ thống giám sát, chung sống an toàn trong phòng dịch gắn với đó là giao trách nhiệm cho người đứng đầu trong tổ chức thực hiện.
Đi sâu việc kiểm soát nguồn lây bệnh trong cộng đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Y tế và các bộ, ngành tham mưu xây dựng tiêu chí an toàn tại các đơn vị, cơ sở như: y tế, trường học, nhà máy, trụ sở, siêu thị, chợ, các cơ sở lưu trú… từ đó hướng tới một xã hội an toàn. Khi xây dựng được các tiêu chí, yêu cầu địa phương kiên quyết chỉ đạo thực hiện.