Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, cách đây hơn 300 năm, có một gia đình vợ mất sớm nên người chồng phải chịu cảnh "gà trống nuôi con". Lớn lên người con thi đỗ làm quan, trên đường trở về quê hương vinh quy bái tổ gặp lúc gió mưa, sấm sét dữ dội và bị rơi xuống sông La. Người làng đi tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy xác, chỉ vớt được những con hến nho nhỏ. Khi người dân đem đi nấu cháo, nấu canh thì thấy ăn rất ngọt. Từ đó, dân làng đi bắt hến về ăn, dần dần trở thành nghề mưu sinh của cả làng.
Làng Bến Hến có gần 200 hộ sống bằng nghề làm hến
Nghề làm hến được duy trì gần quanh năm, nhưng mùa rộ khai thác hến là tháng 4, tháng 5. Mùa đông, những người đàn ông đi cào hến lại lui về nghỉ ngơi và tranh thủ khai thác ở những bến sông gần
Hến sống tập kết về bến sông được những người phụ nữ ngâm trong nước từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ để hến nhả hết bẩn rồi nhặt, đãi thật sạch
Một ngày làng Bến Hến “đỏ lửa” 2 lần vào 3 giờ chiều và 3 đến 4 giờ sáng để luộc hến
Theo kinh nghiệm của những người có thâm niên trong nghề, luộc hến phải để lửa to và phải đun đủ “ba sôi, hai trào” thì đảo đều nếu không hến sẽ "câm" (không mở vỏ), sản phẩm ruột hến thu được ít, thu nhập bị giảm.
Lúc đãi hến lấy ruột tay phải khuấy mạnh để ruột hến còn nằm trong vỏ bung ra.
Hến nơi đây có nổi tiếng thơm ngon, vị đậm đà nên người làng Bến Hến có câu ca rằng: “Hến ngọt, rọt nậy, đong đầy, bán rẻ ai mua”.
Hến Trường Sơn được tiêu thụ khắp trong và ngoài tỉnh. Hến được giá nhất vào mùa hè, trung bình 1 kg hến vỏ giá khoảng 20.000 đồng, nếu đã qua chế biến, loại hến to thì giá từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng còn hến nhỏ thì 40.000 đến 45.000 đồng/kg. Nhờ nghề truyền thống mà làng Bến Hến đã có nhiều đổi mới, cuộc sống người dân hầu hết là khá giả.
Làng Bến Hến thanh bình, dưới bến sông những chiếc thuyền chiều chiều vẫn chờ đầy hến cập bến.