Xung quanh khu vực hồ Kẻ Gỗ có 26.500 ha rừng thuộc quản lý của BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.
Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được giao quản lý 44.900 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 26.500 ha nằm ở xung quanh hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên). Để thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đơn vị đã thành lập 3 trạm bảo vệ rừng và 1 tổ bảo vệ rừng cơ động, đặt ở xung quanh lòng hồ.
Việc di chuyển của các trạm, tổ bảo vệ rừng dựa vào 3 chiếc thuyền máy công vụ, trong đó 2 thuyền vỏ sắt công suất 24CV và 1 thuyền gỗ công suất 15CV.
Lực lượng chức năng thường xuyên sử dụng thuyền trong thực hiện nhiệm vụ ở khu vực hồ Kẻ Gỗ.
Ngoài ra, khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ còn có miếu thờ các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh ở trận địa tuyến đường 22 và sân bay dã chiến LiBi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nên mỗi năm, vào ngày lễ tưởng niệm, nhiều đoàn là thân nhân các gia đình liệt sỹ, du khách có nguyện vọng vào thắp hương. Để tạo điều kiện và đảm bảo an toàn cho các đoàn, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ dùng thuyền chở các đoàn vào thắp hương.
Do tính chất công việc thường xuyên phải sử dụng thuyền để di chuyển nhưng hiện nay ở hồ Kẻ Gỗ chưa có bến thuyền nào được xây dựng. Điều này đã khiến cho các lực lượng của BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, neo đậu khi thực hiện nhiệm vụ.
Do chưa có bến thuyền, việc neo đậu thuyền ở hồ Kẻ Gỗ phải dựa vào địa hình, mực nước từng thời điểm.
Do không có bến thuyền nên từ nhiều năm qua, lực lượng bảo vệ rừng của BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ phải dựa vào kinh nghiệm bản thân để lựa chọn những khu vực cảm thấy an toàn cho việc neo đậu.
Tuy nhiên, vì mực nước trong hồ Kẻ Gỗ thường xuyên thay đổi, chênh lệch lớn giữa mùa nắng với mùa mưa và địa hình xung quanh hồ có nhiều hốc đá nên nếu không cẩn thận trong việc neo đậu có thể dẫn tới sự cố mất an toàn.
Địa hình khu vực quy hoạch bến thuyền số 4 có nhiều tảng đá lớn, mực nước thay đổi thường xuyên gây khó cho thuyền neo đậu.
Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ Nguyễn Phi Công cho hay: Trong đề án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch hồ Kẻ Gỗ, huyện Cẩm Xuyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3599/QĐ-UBND ngày 30/11/2012 thì trong hồ có 10 vị trí được quy hoạch xây dựng bến thuyền (6 bến ở bờ phía Tây và 4 bến ở bờ phía Đông).
Nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng bến thuyền trong hồ Kẻ Gỗ, năm 2017, đơn vị đã có văn bản gửi các ban, ngành cấp tỉnh đề xuất xây dựng bến tại vị trí bến số 4 thuộc bờ Đông của hồ theo đề án quy hoạch của UBND tỉnh, với kinh phí 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, việc xây dựng không thể thực hiện do khu vực quy hoạch bến số 4 này khá nguy hiểm, cách vị trí cống xả nước tưới tiêu của hồ Kẻ Gỗ chừng 200m, địa hình không thuận lợi, cao trình lớn, mất an toàn khi nước cạn.
Khu vực hốc mìn - nơi BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đề xuất xây dựng bến thuyền.
BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ sau đó đã đề xuất thay đổi vị trí xây dựng bến tại khu vực hốc mìn, khoảnh 1, tiểu khu 326, xã Cẩm Mỹ, gần cầu vào đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Nơi này có độ sâu đảm bảo cả khi nước lớn hay nước cạn, địa hình xung quanh bằng phẳng, khuất gió, an toàn cho tàu thuyền ra vào. Tuy nhiên, vị trí này lại không nằm trong quy hoạch xây dựng bến theo phê duyệt của UBND tỉnh.
“Năm 2019, đơn vị và huyện Cẩm Xuyên đã có văn bản xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng Khu du lịch hồ Kẻ Gỗ để tạo điều kiện xây dựng bến thuyền. Đề xuất này sau đó được UBND tỉnh chấp thuận. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên sau nhiều năm, việc xây dựng bến thuyền trong hồ Kẻ Gỗ vẫn chưa thể triển khai”, Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ Nguyễn Phi Công thông tin.
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Xuyên Trần Ngọc Quang cho hay: Việc xây dựng bến thuyền là hết sức cần thiết để đảm bảo an toàn cho hoạt động bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và cũng tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch trong hồ Kẻ Gỗ sau này.