Hơn 10 hộ dân ở Hương Sơn sống thấp thỏm dưới chân núi

(Baohatinh.vn) - Nhiều năm nay, hơn 10 hộ dân sống dưới chân núi Đá ở thôn Đình, xã Sơn Châu (Hương Sơn, Hà Tĩnh) luôn phải sống trong cảnh bất an, lo sợ vì tình trạng sạt lở núi mỗi khi có mưa lớn.

Video: Nỗi lo của người dân thôn Đình, xã Sơn Châu về nguy cơ sạt lở núi.

Hơn 10 hộ dân ở Hương Sơn sống thấp thỏm dưới chân núi

Nhà nằm ngay sát chân núi Đá nên gia đình bà Trần Thị Hồng (thôn Đình) luôn sống trong cảnh “đi không nỡ, ở cũng chẳng xong”.

Cứ mỗi khi có mưa to kéo dài, gia đình bà Trần Thị Hồng (thôn Đình) lại phải chuyển đồ đạc, tài sản lên chạn và đi sơ tán ở nhà người quen bởi ngọn núi phía sau nhà có nguy cơ đổ sập bất cứ khi nào.

Bà Hồng cho biết: “Nhà tôi nằm dưới chân núi Đá, mỗi khi trời mưa lớn kéo dài, khi đất trên núi đã “no” nước thì nguy cơ sạt lở đất đá, đổ sập xuống nhà là điều khó tránh khỏi. Đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vừa rồi, gia đình phải đi sơ tán vì không yên tâm ở lại trong nhà”.

Cũng theo bà Hồng, những năm trước, hiện tượng sạt lở núi đã diễn ra liên tục, hàng trăm m3 đất đá vùi hẳn vào trong nhà. Khi núi sạt lở, vách núi dựng đứng nên gia đình đã phải thuê máy móc để đào bớt đất đá, tạo một bậc đất để hạn chế việc đất đá đổ xuống".

Hơn 10 hộ dân ở Hương Sơn sống thấp thỏm dưới chân núi

Gần 10 năm nay, gia đình bà Đặng Thị Phượng (thôn Đình) luôn sống trong cảnh “sẵn sàng chạy” mỗi khi có mưa to.

Gần nhà bà Hồng, gần 10 năm nay, gia đình bà Đặng Thị Phượng (thôn Đình) cũng luôn sống trong cảnh “sẵn sàng chạy” mỗi khi có mưa to kéo dài, bởi ngôi nhà của gia đình bà nằm sát phía dưới chân núi và nhiều lần đã bị sạt lở.

Bà Phượng cho biết: “Gần như năm nào cũng có sạt lở nên hàng năm cứ khoảng vào độ tháng 6 trở đi, mỗi lần mưa lớn, nhiều hộ lại phải sơ tán đến nơi ở khác để đảm bảo an toàn. Chúng tôi hết sức lo lắng đến tài sản và tính mạng, nhưng không đủ điều kiện để mua đất, làm nhà ở nơi khác nên vẫn phải bám trụ tại đây”.

Theo quan sát, trên dãy núi Đá thuộc thôn Đình xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đe doạ trực tiếp đến cuộc sống của hơn 10 hộ dân có nhà ở dưới chân núi và các gia đình lân cận. Các hộ dân nơi đây cho biết, trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 4 vừa qua, các vệt nứt trên núi ngày càng rộng, chỉ cần một trận mưa to, đất đá có thể đổ xuống bất cứ lúc nào.

Hơn 10 hộ dân ở Hương Sơn sống thấp thỏm dưới chân núi

Khu vực dưới chân núi Đá có 12 hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất, trong đó có 10 hộ ở sát núi, thuộc diện cực kỳ nguy hiểm.

Người dân địa phương cho rằng: núi Đá phần lớn là đá non và đất nên kết cấu yếu. Qua thời gian dài, kết cấu càng bị phá vỡ, cộng với cây cối phát triển mạnh, giữ nước nên thường xảy ra hiện tượng trên.

“Tình trạng này cũng là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhưng với nguồn kinh phí hạn hẹp, địa phương không thể triển khai các giải pháp khắc phục hay di dời các hộ dân” - Trưởng thôn Đình Nguyễn Hồng Vĩnh cho hay.

Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Châu Hồ Phạm Tuân thì khu vực dưới chân núi Đá có 12 hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất, trong đó có 10 hộ ở sát núi, thuộc diện cực kỳ nguy hiểm. Vào các đợt mưa lũ, xã luôn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tạm di dời đến nơi ở khác. Đồng thời, huy động lực lượng đến giúp các gia đình dọn dẹp đất đá, khắc phục hậu quả sau khi sạt lở.

“Là xã miền núi, nguồn thu hạn chế nên đến nay địa phương vẫn không có kinh phí để xây dựng các giải pháp khắc phục. Chúng tôi cũng mong muốn di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới nhưng quỹ đất hiện đã hạn hẹp và không có kinh phí để hỗ trợ di dời, làm nhà cho người dân. Do đó, rất mong các cấp, ngành sớm xem xét, có phương án hỗ trợ, giúp đỡ để người dân có được nơi ở an toàn...", Chủ tịch UBND xã Sơn Châu cho biết thêm.

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Biển chỉ dẫn... có như không!

Biển chỉ dẫn... có như không!

Nhiều biển chỉ dẫn dọc theo tuyến đường thuộc xã Thạch Văn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị hư hỏng, bong tróc như "đánh đố" người tham gia giao thông.