Khát vọng mới trên “miền đất hát” Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Năm mới “gõ cửa” Nghi Xuân (Hà Tĩnh) với những khát vọng và quyết tâm của chính quyền, Nhân dân nơi đây trong việc giữ gìn, khơi dậy những giá trị văn hóa của cha ông.

Khát vọng mới trên “miền đất hát” Hà Tĩnh

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và cán bộ văn hóa về giá trị của di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều tại Khu di tích Nguyễn Du trong chuyến về thăm Hà Tĩnh cuối tháng 12/2021.

Những ngày cuối năm 2021, chuyến hành hương về “miền đất hát” viếng mộ và tham quan Khu di tích Nguyễn Du của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc càng trở nên ý nghĩa và là niềm tự hào của Nhân dân nơi đây.

Tôi thấy rõ sự hân hoan và niềm tin của những người làm công tác văn hóa Hà Tĩnh nói chung và huyện Nghi Xuân nói riêng, nhất là khi mọi người được nghe Chủ tịch nước dặn dò: cần phải thuộc Truyện Kiều nhiều hơn, làm tốt hơn nữa việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu của cha ông để lại…

Khát vọng mới trên “miền đất hát” Hà Tĩnh

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng quà lưu niệm cho BQL Khu di tích Nguyễn Du nhân chuyến tham quan cuối tháng 12/2021.

Ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân chia sẻ: “Được đón tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà. Lời dặn dò của Chủ tịch nước là động lực để chúng tôi quyết tâm nỗ lực hơn nữa. Ngay những ngày đầu năm này, chúng tôi đã có những kế hoạch và chỉ đạo cụ thể để tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong năm 2022”.

Hiện, trên địa bàn Nghi Xuân có 82 di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ học đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh cùng hàng chục di tích khác đã được kiểm kê. Thời gian tới, huyện sẽ hoàn thiện việc xây dựng đề án quy hoạch bảo tồn di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi (xã Xuân Viên) để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là di tích khảo cổ học đã được công nhận di tích cấp quốc gia có nhiều giá trị, tuy nhiên, vì nhiều lý do nên thời gian qua chưa được quy hoạch một cách xứng tầm.

Song song với chú trọng hoàn thiện và nâng cấp một số hạng mục ở Khu di tích Nguyễn Du, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư vào việc trùng tu, tôn tạo những di tích đã được xếp hạng và đề xuất xếp hạng những di tích giá trị khác đã được kiểm kê trên địa bàn.

Khát vọng mới trên “miền đất hát” Hà Tĩnh

Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi (xã Xuân Viên). Ảnh: tư liệu của Đậu Hà

Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, Nghi Xuân còn sở hữu “gia tài” các di sản văn hóa phi vật thể phong phú, tiêu biểu như: Ca trù, dân ca ví, giặm, trò Kiều, hát văn, hát sắc bùa; các lễ hội như: Sỹ - nông - công - thương (Xuân Thành), chèo Nghẽn (Xuân Hội)… Hiện, toàn huyện đã thành lập được 154 CLB văn nghệ dân gian ở các thôn, tổ dân phố (chủ yếu là CLB dân ca ví, giặm); trên 40 CLB văn nghệ dân ca ví, giặm trong các trường học; 2 CLB ca trù và 2 CLB trò Kiều… với sự tham gia của hàng trăm thành viên.

Đặc biệt, Nghi Xuân là huyện đầu tiên trong toàn tỉnh đưa chính sách, chế độ đãi ngộ việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể vào nghị quyết HĐND huyện từ năm 2020. Theo đó, đối với mỗi CLB dân ca ví, giặm, mỗi năm được cấp kinh phí hoạt động 5 triệu đồng, CLB ca trù và trò Kiều 50 triệu đồng.

Khát vọng mới trên “miền đất hát” Hà Tĩnh

Một buổi tập luyện của CLB trò Kiều (xã Xuân Liên, Nghi Xuân).

Năm 2022, bên cạnh tiếp tục duy trì các chính sách đãi ngộ đối với những CLB văn nghệ dân gian nói chung, Nghi Xuân dự kiến sẽ tổ chức “Liên hoan dân ca học đường” vào quý III. Đây là cơ sở để tìm kiếm, phát hiện những hạt nhân dân ca ví, giặm, ca trù… là thế hệ trẻ, từ đó bồi dưỡng, rèn luyện nhằm kế thừa các thế hệ nghệ nhân đi trước. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ khôi phục hát chầu văn tại Đền Củi; tổ chức lễ hội Sỹ - nông - công - thương kết hợp với khai trương mùa du lịch biển vào cuối tháng 3/2022 tại Xuân Thành…

Với những kế hoạch khá chi tiết và phương án thực hiện, huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương căn cứ vào vai trò của mình quyết tâm thực hiện nhiệm vụ một cách tốt nhất. Bà Trần Thị Cảnh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Nghi Xuân cho biết: “Sau một năm ảnh hưởng dịch COVID-19 khá nặng nề nhưng bằng sự linh hoạt thích ứng, chúng tôi đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ. Năm 2022, trước những kế hoạch đặt ra, chúng tôi đồng tình và quyết tâm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Khát vọng mới trên “miền đất hát” Hà Tĩnh

Tiết mục biểu diễn ca trù của học sinh Trường Tiểu học Xuân Thành tại Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân năm 2021 vừa qua.

Không chỉ các cán bộ làm công tác văn hóa mà các nghệ nhân dân gian cũng đồng lòng quyết tâm giữ gìn và phát huy giá trị di sản.

Cô Phan Thị Thùy Diễm - giáo viên phụ trách công tác đội Trường THCS Thành Mỹ bày tỏ: “Hiện CLB dân ca ví, giặm của trường có 36 thành viên, trong đó có 6 giáo viên và 30 học sinh. Hưởng ứng kế hoạch của các cấp, sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, chúng tôi đang tích cực bồi dưỡng các học sinh là hạt nhân dân ca ví, giặm để chuẩn bị cho kỳ liên hoan vào thời gian tới. Hiện nay, trường luôn duy trì các hoạt động ngoại khóa dân ca ví, giặm. Chúng tôi đang xây dựng chương trình sinh hoạt dưới cờ dân ca ví, giặm chủ đề “Mừng Đảng, mừng xuân” để lan tỏa hơn nữa cái hay, cái đẹp của di sản đến các em học sinh”.

Ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Việt Nam trong chuyến về dự Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân cuối năm 2021 bày tỏ: “Bên cạnh tham dự liên hoan ca trù, tôi còn khảo sát thực tế cách làm và hiệu quả đề án xây dựng NTM kiểu mẫu văn hóa mà Nghi Xuân đang thực hiện. Những gì đạt được ở đây cho thấy mô hình xây dựng NTM kiểu mẫu văn hóa là hướng đi tích cực, có tính bền vững. Chúng tôi sẽ đề xuất các cấp, ngành Trung ương để nhân rộng mô hình này trên toàn quốc”.

Khát vọng mới trên “miền đất hát” Hà Tĩnh

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Việt Nam Nông Quốc Thành (bên phải) cùng Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Nghi Xuân Trần Thị Cảnh tại Liên hoan Ca trù toàn huyện Nghi Xuân cuối năm 2021.

Trên con đường dài xây dựng huyện NTM kiểu mẫu về văn hóa đạt chuẩn đầu tiên của tỉnh và cả nước, năm 2022, Nghi Xuân tiếp tục đặt những viên gạch hồng cho cả một chiến lược bền vững. Với những quyết tâm và nỗ lực của chính quyền và Nhân dân Nghi Xuân, hy vọng mùa xuân mới cùng những khát vọng giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên “miền đất hát” sẽ giành được nhiều hơn nữa những mùa quả ngọt.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Từ chỗ là hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương, lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương ở TX Hồng Lĩnh đã trở thành lễ hội được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh quan tâm, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Đoàn kết một lòng hướng về nguồn cội…

Hòa chung lòng thành kính hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Hà Tĩnh đã cùng nhau gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khẳng định sự gắn bó bền chặt trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Ngắm khu dân cư kiểu mẫu bên dòng Ngàn Phố

Bên dòng sông Ngàn Phố thơ mộng, người dân thôn Phúc Bằng, xã Sơn Bằng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đang cùng nhau xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp, hướng tới cuộc sống sống ấm no, hạnh phúc.
Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

Tín ngưỡng thờ cá Ông ở Hà Tĩnh

Thờ cá Ông (cá Voi) là một tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời của cư dân sinh sống ven biển Việt Nam. Nhiều vùng ở Hà Tĩnh, người dân thờ cá Ông như một vị thần biển linh thiêng.
Chat với "thần đồng tiếng Anh" 12 tuổi đạt IELTS 8.0

Chat với "thần đồng tiếng Anh" 12 tuổi đạt IELTS 8.0

Với điểm IELTS 8.0, “thần đồng tiếng Anh” Nguyễn Lê Bảo Chung (lớp 6A7, Trường Albert Einstein Hà Tĩnh) đã trở thành 1 trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất đạt số điểm này với kỹ năng Reading đạt tuyệt đối 8.0, Speaking 8.5, Listening 8.5 và Writing 7.0.
Về miền quê nông thôn mới kiểu mẫu Đồng Yên

Về miền quê nông thôn mới kiểu mẫu Đồng Yên

Bằng sự đoàn kết, chung sức chung lòng, Nhân dân thôn Đồng Yên ở xã Xuân Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng quê hương thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thanh bình, đáng sống.
Võ Quận công Nguyễn Phi Sài và những di sản để lại

Võ Quận công Nguyễn Phi Sài và những di sản để lại

Nguyễn Phi Sài là một nhân vật lịch sử có nhiều công lao, đóng góp dưới thời Lê Trung Hưng và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều, ngoài trấn. Hiện nay, dòng họ Nguyễn Phi ở xã Thạch Long (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn còn lưu giữ nhiều di sản quý mà ông để lại.
Một vùng duyên hải Kỳ Anh

Một vùng duyên hải Kỳ Anh

Bằng thủ pháp nghệ thuật điểm xuyết chấm phá, đấng tạo hóa điểm thêm lên miền duyên hải Kỳ Anh (Hà Tĩnh) những điểm nhấn thẩm mỹ say đắm lòng người...
Du lịch Hà Tĩnh hành trình mới nhiều kỳ vọng

Du lịch Hà Tĩnh hành trình mới nhiều kỳ vọng

Khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh, ngành Du lịch Hà Tĩnh đang triển khai 3 mũi chiến lược là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nông thôn và du lịch biển với những chuyển động mới nhiều hứa hẹn.
Tiên Điền - từ mảnh đất văn hóa đến đô thị văn minh

Tiên Điền - từ mảnh đất văn hóa đến đô thị văn minh

Thị trấn Tiên Điền - vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử đang rạng rỡ trong những kết quả của hành trình xây dựng đô thị văn minh, phát triển xứng tầm là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).