Khởi nghiệp thành công nơi “thâm sơn cùng cốc”

(Baohatinh.vn) - Dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Hùng Thái đã mạnh dạn đầu tư và gặt gái thành công từ mô hình trang trại tổng hợp ở vùng Khe Thờ (thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh).

Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại tổng hợp rộng hơn 5 ha với các vườn bưởi, cam, ổi, hồng... trĩu trịt quả tại TDP Khe Thờ, anh Thái vừa kể trong niềm tự hào: "Vài chục năm trước, nơi đây là khu vực hẻo lánh, đất trống đồi trọc. Với tâm niệm “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, tôi đã chọn vùng đất này để lập nghiệp, quyết tâm biến tiềm năng đất đai thành của cải vật chất".

Anh Thái sinh năm 1974 ở xã Yên Lộc (Can Lộc). Sau khi tốt nghiệp THPT, anh “khăn gói” ra tỉnh Ninh Bình học trung cấp nghề xây dựng. Ra trường đi làm nhưng công việc vẫn chưa ổn định nên năm 2000, khi Nhà nước có chương trình khuyến khích xây dựng vùng kinh tế mới tại Khe Thờ, anh Thái đã hạ quyết tâm khởi nghiệp bằng chính sức lao động của mình.

Khởi nghiệp thành công nơi “thâm sơn cùng cốc”

Những vườn cây trĩu quả bên trong trang trại tổng hợp rộng hơn 5 ha của anh Thái là thành quả của sự lao động chăm chỉ, nghị lực vượt khó làm giàu.

Nói là làm, sau khi nhận đất, anh Thái bắt tay vào cải tạo. Anh vay vốn từ ngân hàng, anh em bạn bè để đầu tư trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Thời gian đầu, do đất mới cải tạo, kỹ thuật trồng cây và chăn nuôi vẫn theo phương thức truyền thống nên hiệu quả chưa cao.

Anh Thái rút ra kinh nghiệm quan trọng trong sản xuất nông nghiệp là phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ đó, ngoài học hỏi qua sách, báo, anh còn trực tiếp đi học tập kinh nghiệm từ các vườn cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao tại các địa phương trong và ngoài tỉnh, tham gia các buổi tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức. Từ các kiến thức được học kết hợp những kinh nghiệm tự tích lũy tại vườn nhà, đến nay, trang trại tổng hợp hơn 5 ha của anh đã có nhiều loại cây ăn quả cho thu nhập khá.

Khởi nghiệp thành công nơi “thâm sơn cùng cốc”

Vườn cam chanh với hơn 600 gốc bên trong trang trại của gia đình anh Thái.

Trang trại của gia đình anh Thái hiện có hơn 600 gốc cam chanh, trong đó 300 gốc đã cho thu hoạch (bình quân hơn 15 tấn quả mỗi năm). Với giá bán trung bình 30 nghìn đồng/kg, vườn cam chanh cho doanh thu mỗi năm hơn 450 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.

Ngoài cam chanh, anh Thái còn có hơn 100 gốc cam giòn đã cho thu hoạch vụ thứ 4. Đây là loại cam ngon, ngọt được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi năm, gia đình anh Thái thu hoạch từ 3-4 tấn cam giòn, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, trang trại còn có 250 gốc bưởi, trong đó 100 gốc đã cho thu hoạch từ 3-4 tấn/năm.

Năm 2021, vườn cam của anh Thái được Trung tâm Khuyến nông tỉnh lựa chọn để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Gia đình đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, cách chăm sóc, hệ thống tưới tiêu, bón phân hữu cơ được đầu tư đồng bộ hóa nên cam cho năng suất cao, đảm bảo chất lượng đầu ra.

Xen giữa những vườn cam và bưởi, anh Thái trồng thêm 200 gốc ổi lê Đài Loan. Anh áp dụng tỉa ghép cây để ổi ra quả quanh năm, lúc nào cũng có sản phẩm cung ứng ra thị trường. Ổi đảm bảo giòn, ngọt, được nhiều cửa hàng hoa quả sạch tại TP Hà Tĩnh chọn làm nhà cung cấp.

Dường như không để phí một diện tích đất nào, anh Thái còn trồng hơn 100 gốc hồng vuông trong trang trại. Anh cho biết, hồng là cây lâu năm, không phải tốn nhiều thời gian và chi phí chăm sóc nhưng năng suất lại cao, chỉ cần làm cỏ xung quanh gốc và bón phân là cây phát triển tốt.

Dưới tán cây ăn quả, anh Thái nuôi thêm 22 đàn ong vừa giúp thụ phấn tự nhiên cho cây vừa có nguồn mặt ong đảm bảo.

Khởi nghiệp thành công nơi “thâm sơn cùng cốc”

Bên cạnh cây ăn quả, anh còn nuôi thêm 22 đàn ong cùng với 18 con bò.

Anh cho biết, nuôi ong không tốn chi phí vì ong tận dụng nguồn phấn hoa tự nhiên trong vườn nên chất lượng mật thơm ngon, đảm bảo, được người tiêu dùng chọn lựa. Mỗi năm anh thu hơn 200 lít mật ong những luôn trong tình trạng “cháy hàng” sớm. Để có nguồn phân bón cho vườn cây ăn quả, đồng thời tận dụng diện tích cỏ tự nhiên, anh Thái còn nuôi 18 con bò, trong đó có 8 con bò sinh sản, 1 con bò đực giống.

Khởi nghiệp thành công nơi “thâm sơn cùng cốc”

Nhờ áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc từng loại cây trồng, nhất là việc bảo vệ quả, bọc nilon để ngăn ngừa côn trùng gây hại nên quả khi thu hoạch vừa đẹp về mẫu mã, vừa ngon về chất lượng.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, anh Thái đã chuyển sang trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả trong vườn theo hướng hữu cơ. Anh áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật chăm sóc đối với từng loại cây, nhất là việc bảo vệ quả, bọc nilon để ngăn ngừa côn trùng đốt, chích, đẻ trứng, bảo đảm quả khi thu hoạch vừa đẹp về mẫu mã, vừa ngon về chất lượng.

Thực hiện mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ, anh Thái không sử dụng phân bón hóa học mà thay thế bằng những phụ phẩm nông nghiệp như dùng rơm rạ phủ gốc cây, vừa có tác dụng giữ ẩm, tự phân hủy tạo mùn cho đất. Anh cũng ủ phân chuồng bằng men vi sinh, đồng thời mua đậu tương, cá... ủ làm phân sinh bón cho cây, dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, không sử dụng thuốc diệt cỏ nhằm đảm bảo sản xuất các sản phẩm cam, bưởi, ổi, hồng... đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với kinh nghiệm làm vườn lâu năm, anh Thái cũng thường xuyên chia sẻ cho các hộ đến học tập và tham quan. Với sự nỗ lực, vượt khó, nhiều năm liền anh được các cấp chính quyền tặng bằng khen, giấy khen trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Trang trại tổng hợp của anh Nguyễn Hùng Thái là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương. Vượt qua những khó khăn, mô hình đã thể hiện cách nghĩ, cách làm mới của người nông dân để làm giàu trên mảnh đất quê hương. Chính quyền địa phương đang nghiên cứu và đề xuất các cấp, ngành hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Ông Phan Đức Hòa
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Lộc

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.