Cử nhân kinh tế biến cây nghệ thành sản phẩm OCOP 3 sao

(Baohatinh.vn) - Từ kinh nghiệm của bản thân cùng quá trình tìm tòi nghiên cứu, chị Võ Thị Thu Hằng (SN 1985, ở thôn 5, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã sản xuất ra các sản phẩm từ củ nghệ và nâng tầm sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Video: Quy trình sản xuất tinh bột nghệ nguyên chất của cơ sở Thu Hằng.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh chị em tại xã Hương Long (Hương Khê), năm 2007, chị Võ Thị Thu Hằng tốt nghiệp Đại học Thương mại (Hà Nội), sau đó về làm kế toán tại Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh). Đến năm 2010, chị chuyển công tác ra TP Vinh, Nghệ An. Năm 2013, sau khi nên duyên với anh Lê Quang Hoà - kỹ sư xây dựng, chị Thu Hằng nghỉ việc chuyển hẳn về sinh sống ở quê chồng (thôn 5, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn).

Theo lời kể của chị Hằng, từ thời sinh viên đã bị bệnh về đường ruột, dạ dày và từng, khám chữa bệnh ở nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Tình cờ chị Hằng được người bạn ở TP Vinh giới thiệu sử dụng tinh bột nghệ được chiết xuất từ cây nghệ đỏ - vốn được sử dụng nhiều trong chế biến món ăn để điều trị dạ dày. Không những thế, loại cây này còn giúp chị em phụ nữ có làn da mịn màng, không bị nám, mụn.

Cử nhân kinh tế biến cây nghệ thành sản phẩm OCOP 3 sao

Tinh bột nghệ tại cơ sở Thu Hằng được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt.

Xuất phát từ sự tò mò, muốn tìm hiểu để tự mình chiết xuất sản phẩm phục vụ cho bản thân, chị Hằng đã dày công tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và thử nghiệm thành công sản phẩm tinh bột nghệ vào năm 2015.

Cử nhân kinh tế biến cây nghệ thành sản phẩm OCOP 3 sao

Sản phẩm viên nghệ mật ong do cơ sở sản xuất.

Tuy nhiên, giai đoạn này bận bịu con nhỏ nên việc sản xuất tinh bột nghệ phải gác lại. Đến năm 2018, ý tưởng sản xuất tinh bột nghệ mới được chị Hằng “hâm nóng” trở lại. Sau khi bàn bạc với chồng, chị bắt đầu mua một số máy móc, tìm hiểu thị trường, nguyên liệu để sản xuất tinh bột nghệ từ nguồn nguyên liệu sẵn có trên địa bàn huyện Hương Sơn và các địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh.

“Nguyên liệu đầu vào là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm. Thế nên, nghệ phải là loại đào lên có màu đỏ cam, thời gian trồng từ 1 năm trở lên và thời gian thu hoạch phải vào khoảng từ tháng 12 năm này đến tháng 5 (dương lịch) năm sau. Chỉ loại nghệ này mới có thể tạo ra tinh bột nghệ chất lượng tốt” - chị Thu Hằng chia sẻ.

Cử nhân kinh tế biến cây nghệ thành sản phẩm OCOP 3 sao

Để tạo chỗ đứng trên thị trường, cơ sở đầu tư nhãn mác, mẫu mã bắt mắt, có tính thẩm mỹ cao.

Theo chị Thu Hằng, quy trình sản xuất tinh bột nghệ này không có gì đặc biệt nhưng đòi hỏi phải kiên trì, tỉ mẩn. Mỗi mẻ bột, người làm phải cẩn thận lựa chọn nguyên liệu, sơ chế thật kỹ và tiến hành chiết xuất đảm bảo đúng tỷ lệ, quy trình.

Nghệ tươi sau khi rửa sạch đất được cạo sạch vỏ rồi đưa vào máy xay ép, tách bã trong khoảng 10 phút rồi đưa vào hệ thống lọc để loại bỏ các tạp chất. Sau khi để bột nghệ lắng xuống trong khoảng 7 - 8 tiếng thì tiếp tục lọc thêm nhiều lần nữa để loại bỏ tạp chất, đặc biệt là loại bỏ dầu nghệ. Tiếp đó, các mẻ nghệ sẽ được đưa vào sấy lạnh trong khoảng thời gian 3 - 5 ngày (nhiệt độ 19 - 20 độ C) nhằm để tinh bột nghệ khô từ từ mà vẫn đảm bảo hương vị đặc trưng và chất dinh dưỡng vốn có.

Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất do chị Thu Hằng làm chủ làm ra 25kg tinh bột nghệ nguyên chất (từ 500kg nghệ tươi). So với những sản phẩm cùng loại trên thị trường, tinh bột nghệ của cơ sở có giá tương đối cạnh tranh (400.000 đồng/hộp/kg).

Mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng 1,8 tấn tinh bột nghệ với doanh thu từ 650 - 700 triệu đồng (chưa kể 400 triệu đồng từ các dòng sản phẩm khác); tạo việc làm ổn định cho 4 - 5 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ trong tỉnh, sản phẩm của cơ sở được phân phối đến rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Cử nhân kinh tế biến cây nghệ thành sản phẩm OCOP 3 sao

Slogan xuyên suốt của cơ sở là "Sự hài lòng về chất lượng của quý khách là niềm hạnh phúc của chúng tôi”

Từ năm 2022, chị Thu Hằng đầu tư hơn 300 triệu đồng để mở rộng nhà xưởng, mua sắm thêm các loại máy móc như: máy xay mịn, máy xay ép liên hoàn, máy đóng góp, dập ép liên hoàn để nâng tầm sản phẩm. Tháng 6/2023, sản phẩm tinh bột nghệ của Thu Hằng được huyện Hương Sơn công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Sản phẩm cũng đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức. Đặc biệt, sản phẩm tinh bột nghệ của Thu Hằng còn đạt giải tại Cuộc thi Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2022.

Hiện tại, cơ sở đang cung cấp nhiều dòng sản phẩm chính, gồm: tinh bột nghệ nguyên chất (sản phẩm OCOP), bột nghệ nguyên chất; ngũ cốc cho người cao tuổi, người tăng cân, người giảm cân; hà thủ ô; sim rừng (tươi, khô); viên nghệ mật ong... Với mục tiêu xuyên suốt “Sự hài lòng về chất lượng của quý khách là niềm hạnh phúc của chúng tôi”, cơ sở luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, nói không với chất phụ gia nhằm đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt, an toàn nhất.

Trong đợt chấm điểm vào tháng 6/2023, tinh bột nghệ nguyên chất Thu Hằng là sản phẩm duy nhất trên địa bàn được huyện Hương Sơn công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây sẽ là bước đệm để cơ sở tiếp tục phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn; qua đó, không chỉ tăng hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập cho hội viên nông dân, đồng thời gián tiếp giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương.

Ông Lê Đình Phước
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hương Sơn

Chủ đề Khởi nghiệp

Đọc thêm

Lộc Hà “tăng tốc” xây dựng nông thôn mới

Lộc Hà “tăng tốc” xây dựng nông thôn mới

Thời điểm cuối năm này, các địa phương ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các tiêu chí NTM gắn với chỉnh trang cảnh quan xóm làng đón tết.
Hà Tĩnh sẽ có thêm 2 khu đô thị hơn 3.900 ha

Hà Tĩnh sẽ có thêm 2 khu đô thị hơn 3.900 ha

Khu đô thị Kỳ Nam và Kỳ Ninh sẽ được xây dựng thành những khu vực dân cư đô thị văn minh, hiện đại, phù hợp với định hướng quy hoạch chung của thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).