Kim Song Trường - vùng đất danh nhân, hiếu học ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Từ ngày 1/1/2020, các xã Kim Lộc, Song Lộc, Trường Lộc nhập thành xã mới mang tên Kim Song Trường. Vùng quê xưa nay vốn nổi tiếng có nhiều danh nhân tiêu biểu, hiếu học đang bước vào một thời kỳ phát triển mới đầy triển vọng...

Địa linh sinh tuấn kiệt

Xã mới Kim Song Trường là vùng đất chính của tổng Lai Thạch xưa nổi tiếng địa linh nhân kiệt. Cách nay khoảng 600 năm, sông Linh Giang bắt nguồn từ La Giang - Đức Thọ chảy qua vùng đất này đổ về Nghèn rồi xuôi về phía biển. Nguồn nước ngọt mang nặng phù sa đã bồi đắp nên ruộng đồng màu mỡ.

Kim Song Trường - vùng đất danh nhân, hiếu học ở Hà Tĩnh

Con cháu cụ Nguyễn Huy Thiện ở thôn Phúc Trường bên ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi. Ảnh: PV

Phía Tây là dãy Trà Sơn, đằng Đông là dãy Hồng Lĩnh và một nhánh rú Cài là Phượng Sơn ăn sang nên Lai Thạch xưa là vùng đất tốt về phong thổ, vừa cận sơn, vừa cận thủy. Đất lành chim đậu, cư dân nhiều nơi đã quần tụ về đây lập nên các làng cổ như Trường Lưu, Mật Thiết, Vĩnh Gia, Nguyễn Xá, Yên Tràng, Phúc Hậu, Phúc Xá với nhiều dòng họ danh tiếng.

Nổi bật nhất là làng Trường Lưu bát cảnh. Linh khí đất trời và truyền thống dòng họ Nguyễn Huy đã sinh thành và nuôi dưỡng những con người tài hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) là người có công lớn làm nên Trường Lưu học hiệu và Phúc Giang thư viện gắn liền với 2 di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ.

Cha con Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Huy Hổ đã viết “Hoa tiên truyện” và “Mai Đình mộng ký”, hợp với kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du làm nên tinh hoa Văn phái Hồng Sơn, nổi bật trong lịch sử văn học nước nhà thời trung đại.

Kim Song Trường - vùng đất danh nhân, hiếu học ở Hà Tĩnh

Tháng 5/2018, UNESCO chính thức công nhận “Hoàng Hoa sứ trình đồ” là Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Ảnh: PV

Danh nhân Phan Kính (1715-1761) ở làng Vĩnh Gia, từ nhỏ nổi tiếng thiên tư sáng láng, đỗ Thám hoa trong kỳ thi hội năm Quý Sửu (1743) và được triều đình rất trọng dụng. Ông là nhà ngoại giao, nhà quân sự xuất sắc và có nhiều đóng góp trong công cuộc kinh bang tế thế, công trạng lớn sử sách còn ghi. Ở làng Vĩnh Gia, trước đó đã có Nguyễn Tâm Hoằng, đỗ Tiến sĩ năm Mậu Tuất 1478, là người khai khoa cho tổng Lai Thạch, làm quan đến chức Hữu thị lang bộ Lễ và Tá lý công hầu.

Làng cổ Mật Thiết gắn liền với tên tuổi Văn lý hầu Trần Tịnh (đầu thế kỷ XVII), nổi tiếng trung quân, ái quốc, thương dân, là người có đóng góp quan trọng trong mở rộng giao thương, buôn bán giữa nước ta với Nhật Bản thời bấy giờ. Đây cũng là quê hương của Tiến sĩ Nguyễn Bật Lượng, Tiến sĩ Nguyễn Hành và đặc biệt là La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), người có công lớn phò giúp Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá 20 vạn quân Thanh và trong công cuộc chấn hưng nền giáo dục nước nhà với tư tưởng coi trọng 3 việc chính yếu là Quân đức, Dân tâm và Học pháp.

Xã Kim Song Trường tự hào có 2 bậc “đại danh sư” trong khoảng 10 người được xứng đáng suy tôn như thế trong lịch sử giáo dục Việt Nam qua mọi thời đại. Đó là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.

Vùng quê hiếu học và học giỏi

Lai Thạch xưa nổi tiếng hiếu học và có nhiều người học giỏi. Ngoài những danh nhân nói trên, số người khoa danh trong các kỳ thi hương, thi hội đỗ đạt qua các triều đại có đến mấy chục người. Học trò của Nguyễn Huy Oánh có gần 30 vị đỗ đại khoa. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Lam Kiều nổi danh là một vùng đất học.

Kim Song Trường - vùng đất danh nhân, hiếu học ở Hà Tĩnh

Thế hệ trẻ trên quê hương Can Lộc tìm hiểu về Mộc bản Trường Lưu. Ảnh: PV

Người Kim Song Trường nhiều thế hệ nối tiếp nhau chăm lo đèn sách, lấy khoai sắn thay cơm để nuôi khát vọng học tập, lập thân lập nghiệp, nhiều người thành đạt. Tiêu biểu là Giáo sư, Tiến sĩ Vật lý hạt nhân Nguyễn Đình Tứ (làng Nguyên Xá), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trần Huỳnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất; Giáo sư Nguyễn Trọng Thụ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Hà Nội (làng Yên Tràng); Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ; Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng (làng Trường Lưu)... và trên 120 con em có trình độ, học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đang làm việc trên nhiều lĩnh vực trong, ngoài nước.

Riêng gia đình Giáo sư Trần Huỳnh, một nhà có đến 8 cha con đều là Giáo sư, Tiến sĩ. Câu chuyện đợt Nhà nước phong học hàm năm 2009 có 3 cậu bé chăn trâu ở xóm Chùa, làng Phúc Xá (Kim Lộc cũ) cùng đến nhận hàm Phó Giáo sư tại Văn miếu Quốc Tử Giám trong một buổi sáng đã trở thành giai thoại đẹp về truyền thống học hành nơi đây ít nơi nào sánh kịp. Thật là: Kim Lộc địa linh sinh tuấn kiệt, Song - Trường thổ tú tụ anh tài.

Hướng tới trung tâm văn hóa - du lịch Trường Lưu

Xã mới Kim Song Trường với quy mô dân số 8.905 người, diện tích 1.600 ha đang bước vào thời kỳ phát triển với thế và lực mới trên nền truyền thống văn hóa. Đến nay, xã này là địa phương đứng đầu cả nước với 6 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh và 2 di sản văn hóa tầm thế giới.

“Trường Lưu bát cảnh” còn là chiếc nôi của hát ví phường vải và nơi sản sinh các làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với tên tuổi các nghệ nhân lừng danh một thời như: O Suy, ả Sạ, Ba Duy...

Kim Song Trường - vùng đất danh nhân, hiếu học ở Hà Tĩnh

Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ chia sẻ với phóng viên Báo Hà Tĩnh về nguyện vọng xây dựng làng văn hoá Trường Lưu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của làng cũng như của dòng họ Nguyễn Huy. Ảnh: PV

Vừa qua, UBND huyện Can Lộc đã ban hành quyết định thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản văn hóa Trường Lưu. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, nhằm thực hiện nghị quyết của Đảng về văn hóa gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới. Để Trường Lưu thực sự trở thành điểm sáng văn hóa - du lịch mang tầm cỡ quốc gia trong tương lai gần, chúng ta cần tập trung làm tốt những công việc sau đây:

Trước hết, lấy làng Trường Lưu làm tâm điểm để xây dựng vùng văn hóa Kim Song Trường gắn với các di tích lịch sử văn hóa vùng “Sạc Sơn tứ diện công hầu", từ đó tạo nên một không gian văn hóa đủ rộng, một điểm đến hấp dẫn trong mối liên kết vùng, phong phú và đa dạng.

Kim Song Trường - vùng đất danh nhân, hiếu học ở Hà Tĩnh

Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Làng Trường Lưu được đặt tại trụ sở của UBND xã Trường Lộc cũ. Ảnh: PV

Hai là, cần làm tốt công tác bảo tồn, tiếp tục sưu tầm tư liệu, trùng tu, tôn tạo các di tích nhằm giữ gìn một cách tốt nhất các giá trị văn hóa cha ông để lại.

Ba là, gắn bảo tồn với phát huy di sản văn hóa vùng Trường Lưu thông qua phát triển du lịch một cách bài bản với các sản phẩm du lịch đặc sắc như thăm viếng đền thờ các danh nhân, tìm hiểu các tác phẩm dòng văn Trường Lưu, thăm các ngôi nhà trăm năm tuổi gắn với đời sống người dân làng cổ trong lòng nông thôn mới, xem trình diễn dân ca ví, giặm, khám phá các dụng cụ sản xuất lúa nước, ẩm thực và mua các nông sản địa phương, du lịch homestay, tìm hiểu 2 di sản tư liệu ký ức thế giới v.v...

Cuối cùng, những điều trên chỉ có thể thực hiện được khi địa phương xây dựng được một đề án cụ thể, khoa học trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm trong và ngoài nước, có sự đầu tư nguồn lực kinh phí cho từng hạng mục, từng chương trình, có sự chuẩn bị nhân lực với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm.

Xã Kim Song Trường sau sáp nhập đã sớm ổn định với thế và lực mới, lòng dân đồng thuận, phơi phới niềm tin ở Đảng, vững vàng bước tới tương lai tươi sáng, đẹp giàu.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.
Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những làn điệu ví, giặm ngọt ngào đang ngày ngày được lan tỏa nhờ các tài năng nhí ở Hà Tĩnh. Giọng hát của các em góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Tuổi cao nêu gương sáng

Tuổi cao nêu gương sáng

Không chỉ có lối sống mẫu mực, giáo dục con cháu sống hiếu thuận, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh còn đi đầu, bước trước, thể hiện vai trò nêu gương sáng trong cộng đồng.
Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình địa chí tổng quan về văn hóa, con người núi Hồng, sông La.