Anh Nguyễn Ngọc Tấn - Giám đốc HTX Trồng dâu nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn (người ngoài cùng bên trái) đón đoàn cán bộ ngành nông nghiệp huyện và tỉnh về thăm mô hình
Dẫn chúng tôi đến thăm vườn dâu trên 20 ha ngút ngàn màu xanh, anh Nguyễn Ngọc Tấn - Giám đốc HTX Trồng dâu nuôi tằm Công nghệ cao Việt Tấn kể, trước đây vùng đất này được anh đấu thầu phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Dù rất vất vả nhưng lợi nhuận hàng năm không được bao nhiêu.
Sau nhiều trăn trở, tìm hướng đi mới, anh Tấn quyết định khăn gói đến các địa phương của tỉnh Nghệ An như: Diễn Châu, Diễn Kim, Quỳ Hợp… ở lại nhiều ngày để học cách phát triển nghề nuôi tằm.
Tháng 9/2019, trở về quê với vốn kỹ thuật sản xuất và trình độ quản lý kha khá trong tay, trên 40 ha đất của mình anh thành lập HTX Trồng dâu - nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn với 7 thành viên và bắt tay ngay vào quy hoạch lại vườn, xây dựng nhà ươm nuôi và sản xuất kén tằm.
Về kỹ thuật sản xuất, HTX liên kết với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương hỗ trợ về giống, kỹ thuật trong những năm đầu.
Ngoài 7 thành viên, HTX Trồng dâu - nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa phương
Theo anh Tấn, qua tìm hiểu, nghiên cứu kỹ quy trình kỹ thuật ở các địa phương, nhận thấy trồng dâu nuôi tằm là nghề có chi phí sản xuất thấp, cây dâu sinh trưởng và phát triển tốt trên nhiều loại đất. Chỉ sau 4-6 tháng trồng là dâu có thể cho thu hoạch lá và một lần trồng có thể cho thu hoạch liên tục từ 15-20 năm.
Tằm là loài rất dễ nuôi, mau cho thu lợi, thu nhập thường xuyên trong năm, ít rủi ro. Đặc biệt, ngoài kén tằm là sản phẩm chính, nghề nuôi tằm còn cho nhiều sản phẩm phụ có giá trị cao như: nhộng tằm, phân bón cho cây cảnh….
HTX đã thành công ngay từ lứa tằm đầu tiên nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp
Sau 5 tháng triển khai quy hoạch và xuống giống, đến thời điểm này, 20 ha dâu được đánh giá là hoàn toàn thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt và cho thu hoạch lá với năng suất cao.
Cùng đó, HTX đã bắt đầu triển khai ươm nuôi lứa kén đầu tiên. Chỉ hơn 10 ngày chăm sóc, cùng với sự giám sát hỗ trợ trực tiếp của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, HTX đã có lứa sản phẩm đầu tiên đã thành công ngoài mong đợi với gần 2 tấn kén được “ra lò”, với giá bán khoảng 130 triệu đồng/tấn.
Tằm là loại vật nuôi ít rủi ro do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, đặc biệt nghề trồng dâu nuôi tằm có thu nhập quanh năm
“Khi lứa sản phẩm đầu tiên được xuất xưởng, tôi khá ngạc nhiên và phấn khởi khi không chỉ đảm bảo các tiêu chí về năng suất, mẫu mã mà nhiều mẻ kén còn vượt trội so với các cơ sở sản xuất ở Nghê An” - Giám đốc HTX Nguyễn Ngọc Tấn phấn khởi chia sẻ.
Hiện tại, ngoài 7 thành viên, HTX Trồng dâu - nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa phương với thu nhập 5 - 8 triệu đồng/tháng; ngoài ra còn có hàng chục lao động thời vụ.
Một góc nhà ươm nuôi và sản xuất kén tằm của HTX Trồng dâu nuôi tằm Công nghệ cao Việt Tấn
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh Lê Văn Trọng cho biết: “Mô hình của HTX Trồng dâu - nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn, mặc dù mới cho kết quả bước đầu nhưng đã khẳng định rất rõ triển vọng. Tính sơ bộ mỗi ha dâu sẽ cho 2 tấn kén/năm, doanh thu trên 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận gần 150 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều các loại cây bản địa”.
Ông Trọng cũng cho biết, hiện tại, tiềm năng về đất đai của huyện đang rất dồi dào, có thể chuyển đổi hàng ngàn ha từ các loại cây có giá trị kinh tế thấp như keo tràm, lạc, rau màu sang trồng dâu nuôi tằm để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.
Tiềm năng đất đai của huyện Kỳ Anh hiện đang rất dồi dào để chuyển sang trồng dâu
Ngành nông nghiệp huyện tiếp tục theo dõi, nếu hiệu quả từ phát triển dâu tằm đạt được như mong muốn, sẽ tham mưu cho huyện có cơ chế, chính sách mở rộng diện tích và từng bước phát triển đại trà trên phạm vi toàn huyện theo hình thức tổ chức liên kết chuỗi sản xuất do HTX là đầu mối cung ứng giống (cây dâu và con giống tằm), vật tư phân bón, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân.