Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Nghi Xuân xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và hộ nông dân vượt khó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của chị Nguyễn Thị Hằng ở xã Xuân Phổ mang lại hiệu quả kinh tế cao
HTX Dịch vụ nông nghiệp và thuỷ lợi Xuân Phổ và mô hình dưa lưới của chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Phúc An, xã Xuân Phổ là một điển hình.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, chị Hằng đã tập hợp 7 thành viên thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp và thuỷ lợi Xuân Phổ. Hằng năm, HTX cung ứng hàng trăm tấn phân bón, trên 50 tấn giống các loại, hàng chục ngàn con gà giống, hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi, lương thực phục vụ chăn nuôi và nhiều mặt hàng thiết yếu… cho bà con nhân dân trong vùng Xuân Phổ, Xuân Hải, Đan Trường, Xuân Hội.
Không dừng lại ở đó, năm 2019, chị Hằng lại mạnh dạn đầu tư nhà màng trồng dưa lưới. Dù trải qua không ít khó khăn do thiếu nguồn vốn, kiến thức... nhưng rồi chị đã nỗ lực vượt qua. Đến nay, mô hình dưa lưới có diện tích hơn 1.100 m2 đang phát triển hiệu quả mang lại kinh tế cao.
Chị Nguyễn Thị Hằng – Giám đốc HTX chia sẻ: Từ HTX và mô hình dưa lưới sau khi trừ chi phí mang về thu nhập cho gia đình tôi trên 300 triệu đồng/năm. Mô hình đã giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng…
Mô hình vườn mẫu của ông Hoàng Xuân Cảnh ở thôn Quang Mỹ, xã Xuân Mỹ góp phần xây dựng nông thôn mới
Hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Hoàng Xuân Cảnh ở thôn Quang Mỹ, xã Xuân Mỹ đã xây dựng và phát triển kinh tế vườn.
Năm 2019, phá bỏ vườn tạp, ông Cảnh xây dựng vườn mẫu trồng hàng trăm các loại cây cam, na, ổi… có giá trị về kinh tế. Đến thời điểm này ông thu về hơn 100 triệu đồng từ các loại cây ăn quả. Bên cạnh đó, ông chăn nuôi gần 200 con gia cầm và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, các loại giống cũng như phân bón, vật tư nông nghiệp, qua đó mang lại thu nhập 100 triệu đồng/năm.
“Có được kết quả trên tôi đã không ngừng học hỏi và đặc biệt, đội ngũ cán bộ nông nghiệp, Hội Nông dân đã hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn đưa các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất” – ông Cảnh cho hay.
Đây là 2 trong hàng ngàn hội viên nông dân tiêu biểu trên địa bàn huyện được các cấp công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong đó, nhiều mô hình đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất với quy mô lớn có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục lao động tại địa phương.
Trang trại tổng hợp của ông Lê Văn Bình, xã Xuân Mỹ cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm
Điển hình như mô hình trang trại tổng hợp của ông Lê Văn Bình, xã Xuân Mỹ cho thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng; mô hình chăn nuôi lợn liên kết của ông Lê Văn Bàng (Xuân Liên) cho thu nhập 800 triệu đồng/năm…
Có thể nói, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở Nghi Xuân đã góp phần khơi dậy trong mỗi hội viên ý chí dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên làm giàu.
Được biết, trung bình mỗi năm trên địa bàn huyện Nghi Xuân có gần 1.000 hội viên đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Số hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đến nay có 8.506 hộ...
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Nghi Xuân kiểm tra mô hình trang trại của gia đình ông Dương Văn Tân, xã Cương Gián
Ông Nguyễn Hồng Khoan – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Xuân khẳng định: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện trong những năm qua phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trên tất cả các lĩnh vực: nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Phong trào đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung của huyện nhà, giữ vững nền sản xuất nông nghiệp và công cuộc xây dựng nông thôn mới bền vững.