Ghé làng mật mía Thọ Điền những ngày này, chắc hẳn ai nấy đều cảm nhận rõ không khí tết cổ truyền. Các lò nấu mật hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm để cho ra những mẻ mật chất lượng nhất. Ông Bùi Đình Lợi (thôn 5, xã Thọ Điền) chia sẻ: "Nghề ép mật mía ở Thọ Điền đã tồn tại và phát triển hơn 50 năm nay. Hiện, toàn xã còn khoảng 100 hộ giữ nghề truyền thống này".
Ông Lợi phấn khởi cho biết: "Nhờ xây dựng được thương hiệu nên mật mía Thọ Điền ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Dù còn khoảng 20 ngày nữa mới vào tết nhưng hiện tại, chúng tôi đã bán "cháy hàng", hơn 2 tấn mật đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh "chốt" đơn với giá 70 nghìn đồng/lít (tương đương 1,4kg). Cả gia đình đang tranh thủ tối đa thời gian, cố gắng làm việc để kịp trả đơn cho khách".
Với kinh nghiệm làm mật lâu năm, ông Lợi cho biết, muốn mật ngon phải đứng “canh” chảo trong nhiều giờ, đảo liên tục và đều tay. Khi mật sôi thì vớt váng, nếu không chú ý mật sẽ bị cháy, có màu đen và không được thơm ngon. Khi nước mía bắt đầu sền sệt chuyển sang màu nâu vàng thì mới hoàn thành việc nấu mật.
Vừa hoàn thành xong mẻ mật mía sóng sánh, ông Nguyễn Văn Anh (thôn 1, xã Thọ Điền) chia sẻ: "Gia đình tôi làm mật mía đã gần 20 năm, tính ra làm nghề làm mật hiện nay không vất vả như ngày xưa mà thu nhập cao hơn nhiều so với làm các nghề khác. Những năm gần đây, nhu cầu tăng cao nên mỗi vụ tết gia đình tôi bán được hơn 2 tấn mật thương phẩm, đem về nguồn thu nhập khá".
Với truyền thống của làng nghề cộng với sự cần cù chịu khó, không ngừng đổi mới phương thức sản xuất, người dân Thọ Điền đang tạo ra sản phẩm mật mía chất lượng tốt, vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, vừa tăng nguồn thu nhập cho bà con.
Tại HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ ở thôn 1 (xã Thọ Điền), không khí sản xuất đang rất khẩn trương. Anh Lương Sỹ Đức - đại diện HTX cho biết: “Thời điểm giáp tết này, bình quân mỗi ngày chúng tôi ép được khoảng 5 tấn mía tươi, nấu được khoảng hơn 400 lít mật thương phẩm. Nhờ xây dựng thành công sản phẩm OCOP 3 sao nên sản phẩm làm ra đến đâu được khách hàng và thương lái đặt mua hết đến đó".
Với việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, các quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh nên sản phẩm mật mía của HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ bán được giá với 70.000 đồng/lít.
Cũng theo anh Đức, từ đầu vụ mật tết đến nay, HTX đã sản xuất được hơn 40 tấn mật mía để cung ứng cho các cửa hàng OCOP, khách hàng trong và ngoài tỉnh. Việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, các quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh nên sản phẩm mật mía của HTX ngày càng được khách hàng tin tưởng sử dụng.
Được biết, toàn xã Thọ Điền hiện trồng hơn 30 ha mía. Đây là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất ra các mẻ mật thơm ngon phục vụ thị trường tết.
Video: Cận cảnh quy trình sản xuất mật mía ở xã Thọ Điền
Toàn xã hiện trồng hơn 30 ha mía, trung bình mỗi năm, bà con trên địa bàn cung cấp ra thị trường gần 190 tấn mật thương phẩm, mang về nguồn thu khoảng 10 tỷ đồng. Để sản phẩm mật mía ổn định đầu ra, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, nhiều hộ dân làm mật mía khác trên địa bàn xã đã sử dụng các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo... nhằm kết nối thị trường. Nhờ vậy, sản phẩm được nhiều người biết đến hơn.