Tất bật trả đơn hàng cho khách vào dịp tết, anh Bùi Văn Đồng phải làm việc liên tục để hoàn thiện sản phẩm.
Chỉ mới đặt chân xuống làng nghề Bắc Thai đã nghe từ phía ngoài cổng tiếng đục đẽo, tiếng bịt trống, tiếng thử trống vang lên rộn ràng khắp một vùng quê. Theo các cụ cao niên trong làng thì khi sinh ra đã nghe thấy tiếng đục, tiếng đẽo của cha ông làm trống. Đến nay, nghề làm trống phát triển rất thịnh vượng ở làng Bắc Thai, hầu hết các hộ làm trống trong làng đều mang họ Bùi.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Bùi Văn Đồng khi cả nhà đang tất bật làm trống. Sinh ra trong một gia đình 3 thế hệ theo nghề trống, anh thuộc lòng cách làm từ các loại trống đại, trống cái đến những loại trống bé hơn.
Nghề trống được anh Đồng làm quanh năm, tuy nhiên vào dịp tết, cả gia đình anh phải huy động nhân lực để có thể hoàn thành sản phẩm phục vụ mùa lễ hội. Nghề làm trống không phân biệt già trẻ, trai gái. Phụ nữ, trẻ em thì làm các công đoạn nhẹ nhàng như: phơi da bò, đánh giấy nhám, còn đàn ông thì phụ trách các công đoạn quan trọng, khó hơn như: xẻ gỗ, ghép chang…
Có truyền thống 3 thế hệ làm nghề, anh Đồng thuộc lòng cách làm các loại trống: trống đại, trống cái, trống con...
Anh Đồng chia sẻ: "Việc làm trống trải qua nhiều bước, nhưng có 3 bước quan trọng nhất: Làm da, chang và bưng trống. Da làm trống phải là da bò còn tươi, không được ướp muối hay bất kỳ loại hóa chất nào, như thế trống mới bền, tiếng trống mới đảm bảo âm vực chuẩn.
Bưng trống là giai đoạn cuối cùng và cũng là quan trọng nhất quyết định chất lượng của trống. Da bò được quây tròn căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh chốt làm từ tre già. Việc bưng trống giúp điều chỉnh được âm thanh như: âm vực cao, âm vực thấp... đây là một kỹ thuật khó, chỉ những người trong nghề lâu năm mới làm được".
Để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, năng suất, thay vì dùng tay, ông Tráng đã sử dụng các loại máy móc hỗ trợ.
Cũng đang bận rộn xẻ gỗ, ghép chang để trả đơn cho khách hàng, ông Bùi Văn Tráng hay còn gọi là ông Tráng “trống” cho biết gỗ để lựa chọn làm trống phải là gỗ già, có tuổi đời hơn 70 năm và phải tinh lõi mới làm nên một chiếc trống chuẩn thương hiệu Bắc Thai. Trước đây chủ yếu làm thủ công, 6-7 ngày mới hoàn thành thì nay, nhờ có sự trợ giúp của máy móc nên chỉ từ 1-2 ngày là ông Tráng đã có sản phẩm hoàn chỉnh.
“Dịp Tết không chỉ làm trống mới mà chúng tôi còn sửa những chiếc trống cũ đã bị hư mặt trống, lủng thủng và khi đã nhận thì phải khẩn trương, không để trễ hàng. Có nhiều khi không đủ thời gian ăn cơm, ngủ không đủ giấc cũng phải gấp rút cầm đồ nghề bắt tay vào việc. Thế nhưng, mọi công đoạn vẫn phải chăm chút kỹ lưỡng, không được để sai sót hoặc thiếu ở bất cứ công đoạn nào” - ông Tráng cho biết.
Bình thường những chiếc trống được trang trí đơn giản, nhưng đối với trống phục vụ lễ hội, lễ tết sẽ được trang trí thêm hoa văn cho hấp dẫn, sinh động.
Hiện nay, trống Bắc Thai không chỉ có mặt ở thị trường trong tỉnh mà khách hàng ở các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An cũng ra tận nơi để đặt mua trống. Trong lộ trình phát triển, UBND huyện Thạch Hà đang quy hoạch và xây dựng làng trống Bắc Thai trở thành làng nghề truyền thống. Theo đó, tháng 3/2019, UBND xã Thạch Hội đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ xây dựng và nghề trống Thạch Hội để liên kết các hộ sản xuất nhằm phát triển nghề truyền thống.
Cứ dịp tết đến xuân về, mọi người lại cần mẫn cùng nhau giữ gìn nét văn hoá trống hội để cầu tài, cầu lộc cho người dân
Ông Dương Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hội cho biết: Hiện tại, các hộ làm trống đang tự tìm kiếm mối hàng riêng cho mình nhưng trong tương lai, Hợp tác xã sẽ xây dựng thương hiệu và tìm kiếm đầu ra bền vững để phát triển làng trống Bắc Thai trở thành làng nghề truyền thống và góp phần đưa thương hiệu vươn xa hơn nữa.
Nghề trống không chỉ mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho nhiều hộ gia đình ở Bắc Thai mà âm vang tiếng trống còn nuôi dưỡng đam mê cho biết bao người trẻ. Dù là người làm trống hay là người chơi trống, tất cả đều đáng được trân quý bởi năm nào cũng vậy, cứ dịp tết đến xuân về, mọi người lại cần mẫn cùng nhau giữ gìn nét văn hóa trống hội để cầu tài, cầu lộc cho người dân.