Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Bùi Nhân Sâm và đoàn công tác của huyện đã đi kiểm tra tiến sản xuất ngô ngọt thực nghiệm trên diện tích 4,5 ha của hộ anh Tôn Kế Toại, thôn Am Thuỷ, xã Kim Hoa. Đây là loại ngô có thời gian sinh trưởng ngắn (80-85 ngày) so với các loại giống ngô khác (110-120 ngày) nhưng hiệu quả cao hơn 2,5 lần trên cùng một diện tích.
Đoàn thực tế khu vực sản xuất ngô ngọt của hộ anh Tôn Kế Toại
Ngô ngọt sau khi thu hoạch được dùng để chế biến các món ăn như xúp, xào nấu cùng các loại thực phẩm khác nên rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, thân cây được tận dụng làm thức ăn cho các loại gia súc, đặc biệt là làm thức ăn chăn nuôi hươu.
Ngô ngọt sắp đến thời kỳ thu hoạch tại thôn Am Thuỷ, xã Kim Hoa
Sản phẩm ngô ngọt sau thu hoạch được cung cấp cho Công ty cổ phần Thực phẩm Đồng Giao (Ninh Bình) - đơn vị vừa ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với huyện Hương Sơn vào ngày 26/1/2024.
Hiện huyện Hương Sơn đang triển khai trồng thí điểm tại 3 địa phương với diện tích hơn 10ha. Trong đó xã Kim Hoa có diện tích 5,5 ha, xã Sơn Tiến 3 ha và 3 ha tại xã Sơn Tây. Đến thời điểm này, cây ngô ngọt sắp đến kỳ thu hoạch. Hiệu quả kinh tế dự báo sẽ cao hơn 2 lần so với các loại ngô truyền thống khác.
Tiếp đó, đoàn đã đến kiểm tra tiến độ gieo trồng vụ xuân tại các xã Sơn Long, Sơn Ninh.
Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Bùi Nhân Sâm trò chuyện với người dân thôn Ninh Xá, xã Sơn Ninh.
Vụ lúa xuân năm nay, xã Sơn Long gieo cấy 170ha, xã Sơn Ninh triển khai trên diện tích 120ha. Đặc biệt, Sơn Ninh là địa phương đi đầu của huyện Hương Sơn về công tác tích tụ ruộng đất (đã thực hiện được trên 30ha).
Được biết, vụ xuân năm nay, toàn huyện Hương Sơn gieo cấy 4.680 ha với các loại giống lúa Nhị Ưu 838, Bắc Thịnh...
Kiểm tra lúa sinh trưởng tại thôn Ninh Xá, xã Sơn Ninh
Qua kiểm tra, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn Bùi Nhân Sâm đề nghị các ngành chức năng sớm tổ chức hội thảo đầu bờ với tất cả các địa phương để từ đó nhân rộng diện tích trồng ngô ngọt nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Về sản xuất vụ xuân, các địa phương thường xuyên theo dõi đồng ruộng, có biện pháp xử lý khi phát hiện sâu bệnh, đảm bảo nguồn nước tưới đầy đủ và kịp thời để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.