Khai trường mỏ sắt Thạch Khê sau 7 năm tạm dừng
Lo ngại về môi trường
Tại văn bản gửi Chính phủ ngày 22/12/2016 cũng như tại buổi buổi làm việc với các bộ, ngành, chủ đầu tư về vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê ngày 29/5/2017 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, việc phê duyệt dự án cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án phải được xem xét một cách khách quan, khoa học và phát triển bền vững.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là khu vực mỏ có điều kiện địa chất phức tạp, nằm sát biển, thân quặng phân bổ sâu, lớp đất chủ yếu (cát, sét…), nhiều nước ngầm, diện tích dự án 4.821 ha, moong mỏ rộng 703ha, không chỉ ảnh hưởng 6 xã của huyện Thạch Hà mà còn ảnh hưởng đến các xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, thành phố Hà Tĩnh.
Trong quá trình khai thác, vận tải đất bóc và quặng có nguy cơ sạt lở tầng khai thác và bờ mỏ trên các tuyến đường vận tải trong biên giới mỏ. Trong báo cáo ĐTM của dự án chưa dự báo được mức độ tụt giảm mức nước ngầm là âm bao nhiêu mét? ảnh hưởng đến sản xuất của bao nhiêu hộ dân?. Theo quy luật, tụt nước ngầm sẽ dẫn đến xâm nhập mặn vì vậy sẽ tác động rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất, đất đai sa mạc hóa.
Về phương án vận chuyển quặng sắt, theo đề xuất của TIC, trong giai đoạn đầu, sản phẩm được vận chuyển bằng đường bộ (từ mỏ đến cảng Vũng Áng – PV). Theo tính toán, với công suất 5 triệu tấn/năm, trừ những ngày nghỉ do mưa bão, lễ, tết…, mỗi ngày TIC phải vận chuyển khoảng 17.000 tấn quặng đi tiêu thụ. Tuyến đường ven biển Thạch Khê – Vũng Áng sẽ nhanh chóng xuống cấp do phải chịu tải bình quân gần 1.000 lượt xe/ngày. Việc vận chuyển bằng đường bộ với khối lượng tải và tần suất lớn sẽ ảnh hưởng đến khả năng chịu tải của đường bộ, ảnh hưởng đến ATGT. Trong khi đó, dự án chưa đánh giá được tác động của vận tải đối với nhu cầu nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ trên địa bàn Hà Tĩnh.
Khu vực bãi thải và moong mỏ nhìn từ xã Thạch Hải
Theo ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, báo cáo đánh giá ĐTM và cấp phép xả thải, một số nội dung còn chung chung, sơ sài, phần kiến nghị, đề xuất chưa khẳng định tính đảm bảo môi trường. Đặc biệt, cần làm rõ tác động môi trường đến vùng, dải ven biển của việc xây dựng đê lấn biển làm bãi thải, tác động ảnh hưởng đến vùng nuôi trồng, đánh bắt hải sản, khu du lịch Thiên Cầm, Thạch Bằng và tác động môi trường, sụt lở đất do khác thác đến độ sâu trên 500m, đến các địa phương lân cận như Lộc Hà, TP. Hà Tĩnh…
Trong khi đó, việc xử lý chất thải rắn cũng còn tồn tại nhiều vấn đề. Đây là dự án lớn, có nhiều loại và nhiều nguồn chất thải, trong đó có cả chất thải nguy hại. Vì vậy, yêu cầu xây dựng phương án cụ thể về phân loại, phân nguồn chất thải, phương án xử lý đối với từng loại chất thải, địa điểm, đơn vị xử lý chất thải theo quy định.
Băn khoăn hiệu quả kinh tế
Liên quan đến hiệu quả kinh tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cho rằng, dự án mới tính toán phần hiệu quả nội hàm, chưa tính toán, đánh giá, chứng thực bằng số liệu và mô hình cụ thể để đưa ra các kết luận cơ bản về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường tổng thể do dự án mang lại.
Về phương án tiêu thụ, hiện Formosa chưa có ý kiến về việc sử dụng nguyên liệu quặng sắt Thạch Khê. Trong khi đó, quy hoạch ngành thép do Bộ Công thương ban hành mang tính dự kiến, chưa có nhà máy sản xuất cụ thể. Vì vậy, với công suất khai thác giai đoạn 1 là 5 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 là 10 triệu tấn/năm thì dự án chưa có phương án tiêu thụ cụ thể, đảm bảo cân đối thị trường thép và nguyên liệu trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng nhà máy luyện phôi thép 2 tấn/năm, chủ trương nhất quán của Hà Tĩnh phải xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép trong tỉnh, không xuất quặng thô. Tuy nhiên, trong dự án, TIC đề xuất xuất quặng thô, lùi thời hạn xây dựng nhà máy thép sau năm 2020.
Nhiều diện tích đất sản xuất ở vùng mỏ Thạch Khê đang bị tụt nước ngầm, sa mạc hóa
Về bồi thường, giải phóng mặt bằng, cần xem xét các nội dung như phạm vi, đối tượng ảnh hưởng giải phóng mặt bằng dự án, bổ sung tài liệu nghiên cứu đánh giá tác động, phạm vi ảnh hưởng gián tiếp của dự án theo lộ trình.
Để đảm bảo cho dự án và nhà đầu tư khắc phục các rủi ro tiềm ẩn và chuyển đổi rủi ro nhằm giảm thiểu các tác động cốt yếu, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, dự án cần được xem xét, bổ sung khoản mục chi phí bảo hiểm môi trường.
“Với quy mô, phạm vi ảnh hưởng rất lớn của mỏ sắt Thạch Khê, tính chất phức tạp khi khai thác (nằm sát biển, trong khu dân cư), yêu cầu cao về công nghệ luyện quặng, yêu cầu khai thác gắn với chế biến đòi hỏi phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng khi lựa chọn nhà đầu tư; cần phải có một nhà đầu tư mạnh, có đầy đủ năng lực về quản lý, kỹ thuật, tài chính để thực hiện dự án. Với yêu cầu này thì TIC khó đáp ứng các điều kiện làm chủ đầu tư theo suốt vòng đời dự án (52 năm)” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng thẳng thắn nêu quan điểm.
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (điều chỉnh) có tổng mức đầu tư 14.517,2 tỷ đồng (giai đoạn I: 6.777,4 tỷ đồng; giai đọan II: 7.739,8 tỷ đồng). Tổng diện tích đất sử dụng: 4.821 ha (3,898 ha đất liền, 923 ha lấn biển). Giai đoạn I có công suất khai thác 5 triệu tấn/năm, kéo dài trong 7 năm (không kể 4 năm đã thực hiện và 3 năm xây dựng cơ bản tiếp theo); giai đoạn II tăng lên 10 triệu tấn/năm, kéo dài trong 29 năm. Tuổi thọ mỏ 52 năm. |