Miền Trà Sơn Can Lộc - vùng đất xanh bốn mùa hoa trái

(Baohatinh.vn) - Trà Sơn được xác định là vùng kinh tế trọng điểm của huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Nơi đây xưa rừng thiêng nước độc. Trà Sơn nay hoa trái bốn mùa, như vẽ nên bức tranh một vùng nông thôn giàu đẹp, non nước hữu tình.

Từ buổi chân trần đi mở đất

Vùng núi Trà Sơn nằm ở phía Tây Nam của huyện Can Lộc, trải một vệt dài từ xã Thường Nga, qua các xã Phú Lộc, Gia Hanh, Thượng Lộc, Đồng Lộc, Mỹ Lộc đến Sơn Lộc. Đây là vùng bán sơn địa, rộng khoảng 6.000 ha, đất đai khá màu mỡ. Xưa nơi đây vốn rừng rú rậm rạp, hoang vắng. Thú dữ, rắn rết, vắt rừng, bọ chét và muỗi sốt rét đã ngăn bước chân người khai phá. Đầu thế kỷ trước, dọc phía tây Quốc lộ 15, hầu như chưa có nổi vài ba chục mái nhà...

Miền Trà Sơn Can Lộc - vùng đất xanh bốn mùa hoa trái

Miền Trà sơn Can Lộc ngày nay trở thành “vựa” cam, bưởi nổi tiếng.

Bắt đầu từ những năm 1960 trở đi, huyện Can Lộc mới có chủ trương khai hoang vùng đất này. Các hợp tác xã vùng ven đều đưa xã viên lên xây dựng các trang trại tập thể để trồng khoai sắn, chè và chăn nuôi trâu bò. Các cán bộ, đảng viên trẻ được cử lên đây trước. Khi nông nhàn thì điều động thêm bà con xã viên tham gia sản xuất. Nhiều trại phát triển khá, trồng được nhiều hoa màu, thêm nhiều trâu bò được chăn thả.

Người nông dân Can Lộc vốn nuôi khát vọng xoá đói giảm nghèo, nay áo vải chân trần đi mở đất, lên với vùng kinh tế mới với tiềm năng rộng mở, mặc dù bước khởi đầu gặp muôn vàn gian lao, nhưng với sự cần cù, chịu khó, họ đã sớm chinh phục đất đai, đánh thức tiềm năng để phát triển kinh tế trên vùng đất mới.

Sau bước “khởi động” thuận lợi với hướng đi vững chắc, từ những năm 1970, huyện Can Lộc đề ra chủ trương di dân từ các xã lên làm ăn lâu dài ở vùng Trà Sơn, trong đó ưu tiên cho bà con các xã Hạ Can đất chật, người đông. Tuy nhiên, đến năm 1972, cũng chỉ có vài ba trăm hộ chịu ly quê, lên lập nghiệp ở vùng đất mới.

Thời kỳ Mỹ ném bom phá hoại (1965 - 1972), Quốc lộ 15A, đường chiến lược 70 chạy dọc Trà Sơn trở thành tọa độ lửa với những địa danh bất tử như: Cống 19, Cầu Bạng, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao... Trong bom đạn, người Trà Sơn vẫn bám đất, bám làng, cùng bộ đội, thanh niên xung phong anh dũng chiến đấu, thông đường cho xe ra mặt trận.

Thời điểm sau năm 1975, phong trào di dân lên vùng Trà Sơn được phát động rộng khắp trên toàn huyện. Hàng ngàn hộ dân được chuyển lên sinh sống tại các khu đất đã được quy hoạch bài bản. Nhiều địa bàn xóm như: Lò Rèn, Vực Nâu (Sơn Lộc), Tân Bình (Gia Hanh), An Hùng (Thượng Lộc), Đất Đỏ (Thường Nga), Làng Lìm (Phú Lộc)... dần hình thành từ đây.

Miền Trà Sơn Can Lộc - vùng đất xanh bốn mùa hoa trái

Khu du lịch sinh thái Cửa Thờ - Trại Tiểu đã được tỉnh phê duyệt với quy mô 198 ha.

Để giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên vùng đất mới, nhiều chủ trương, chính sách đã được huyện ban hành; nhiều kế hoạch kinh tế cụ thể được triển khai với tầm nhìn mới, cách làm quyết liệt, sáng tạo đã từng bước khơi dậy khát vọng vươn lên của người dân Trà Sơn.

Các công trình thủy lợi lớn như: Đập Khe Lang, đập Cơn Bạng, hồ Vực Trống, hồ Khe Thờ - Trại Tiểu... với sức chứa hàng chục triệu mét khối nước lần lượt được tiến hành xây dựng. Hàng chục tuyến đường vào khu kinh tế mới được hình thành, bê tông hoá, đường điện cũng được kéo vào tận các thôn xóm giúp người dân an cư lạc nghiệp.

Những năm từ 1990, huyện Can Lộc đã thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ dân. Từ đó, hàng ngàn vườn đồi, vườn rừng, trang trại lớn nhỏ trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi ra đời.

"Trà Sơn nay đất ấm chân người"

Từ buổi chân trần đi mở đất, nay Trà Sơn đã trở thành vùng đất ấm no, trù phú, là “thủ phủ” của các loại cây lâm nghiệp như: thông, cao su, keo lá tràm, cây ăn quả có múi như: cam, bưởi, chanh và hàng trăm khu trang trại chăn nuôi tổng hợp. Chúng tôi về thăm vùng Trà Sơn vào một ngày nắng đẹp. Xa xa đã thấy tháp chuông nhà thờ (thôn Tân Bình, xã Gia Hanh) sừng sững, tinh khôi màu sơn mới.

Miền Trà Sơn Can Lộc - vùng đất xanh bốn mùa hoa trái

Kinh tế vườn đồi là thế mạnh của xã Thượng Lộc. Vùng đất này giờ đây không còn là cánh rừng cỏ dại hoang vu mà thay vào đó là những đồi cam vàng “bạc tỷ”. Ảnh: PV

Những ngôi nhà ngói khang trang ẩn hiện trong bạt ngàn màu xanh của cây trái. Đường làng xưa quanh co, lầy lội nay được thay bằng những con đường mới phẳng lỳ, sạch sẽ. Đất lành chim đậu, thôn Tân Bình với 35 hộ dân từ xã Bình Lộc di cư lên từ năm 1978, nay đã phát triển thành một khu dân cư trù mật với trên 100 hộ dân. Từ đói nghèo quay quắt, chặt củi đốt than chạy bữa từng ngày, nay nhà nhà thi đua làm vườn đồi, vườn nhà mà trở nên khá giả.

Như hộ ông Lê Xuân Hồng, được giao 30 ha đất rừng, gia đình ông tiến hành trồng keo, cứ năm sáu năm thu hoạch một lứa, bình quân thu về 50 triệu đồng/ha, tổng thu nhập 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra ông còn trồng hàng trăm cây cam và bưởi, mỗi năm cũng thu về hàng trăm triệu đồng. Ông Hồng tâm sự: "Nhờ tỉnh, nhờ huyện, gia đình tôi và bà con Tân Bình mới có cuộc sống đầy đủ như ngày hôm nay”.

Xã Thượng Lộc có tiềm năng đất đai dồi dào, thổ nhưỡng phong phú, khí hậu thuận hoà nên vài chục năm trở lại nay đã trở thành “thủ phủ cam” của vùng Trà Sơn. Cam Thượng Lộc nổi tiếng với sản phẩm cam đường ngọt lịm và cam giòn thơm ngon. Cả xã có trên 400 hộ trồng cam, ít thì dăm ba chục, nhiều thì đến cả hàng ngàn gốc. Mỗi năm sản lượng lên 500 - 600 tấn, doanh thu không dưới 15 tỷ đồng.

Miền Trà Sơn Can Lộc - vùng đất xanh bốn mùa hoa trái

Điển hình như Hợp tác xã Gia Phúc của ông Lê Vạn Hải (thôn Đất Đỏ, xã Thường Nga) có diện tích lên đến 38 ha, được đầu tư lớn với số vốn hàng tỷ đồng theo hướng chuyên canh, bước đầu sản xuất trái cây đạt sản lượng cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động...

Khu chăn nuôi lợn tập trung 150 ha của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại tại thôn Làng Lìm (Phú Lộc), với quy mô trên 2.000 lợn nái bố mẹ, hàng vạn lợn thịt thương phẩm mỗi lứa, trở thành điểm sáng của công nghệ chăn nuôi tiên tiến, an toàn, hiệu quả. Nhiều trang trại, gia trại tổng hợp, vệ tinh đã tạo ra chuỗi cung ứng đa dạng, phong phú, dần thay thế lối chăn nuôi truyền thống, lạc hậu.

Thành công của vùng kinh tế Trà Sơn đã khẳng định bài học lớn về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở Can Lộc, sự năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền và tính hiệu quả thiết thực của các cơ chế, chính sách.

Miền Trà Sơn Can Lộc - vùng đất xanh bốn mùa hoa trái

Doanh nhân trẻ Trần Đình Duẩn (SN 1990) đầu tư vườn lan quy mô 1,5 ha ở thôn Đô Hành, xã Mỹ Lộc, Can Lộc với mong muốn, vườn lan không chỉ tạo cảnh quan đặc sắc, giải quyết việc làm cho người lao động mà còn là điểm du lịch trải nghiệm của người dân. Ảnh: PV

Để nâng tầm vùng kinh tế Trà Sơn theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn, bền vững, hiệu quả, huyện Can Lộc đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã củng cố, nâng cao chất lượng các mô hình, gắn chuyên canh với thâm canh, bám sát thị trường, lấy hộ nông dân làm chủ thể, khai thác mạnh mẽ tiềm năng lợi thế, để cùng với sản xuất lúa, tạo thế hai chân vững chắc cho nền kinh tế thuần nông vươn lên tầm cao mới.

Rời Trà Sơn sau một ngày tham quan, tìm hiểu, chúng tôi thực sự vui mừng trước sức vươn mạnh mẽ của một vùng kinh tế mới và ấn tượng mãi với câu nói đầy tự hào của lão nông Lê Xuân Hồng: “Trà Sơn xưa chân trần đi mở đất, Trà Sơn nay, đất đã ấm chân người”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.