Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho lợi nhuận cao

(Baohatinh.vn) - Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại huyện Cẩm Xuyên, Can Lộc bước đầu cho lợi nhuận cao, góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường.

Sáng 7/5, tại xã Cẩm Bình, UBND huyện Cẩm Xuyên tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất lúa hữu cơ vụ xuân năm 2024.

Đại biểu tham quan mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình.

Năm 2024, UBND huyện Cẩm Xuyên triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với tổng diện tích 93,7 ha ở 7 xã: Cẩm Bình, Yên Hòa, Cẩm Quang, Cẩm Thành, Nam Phúc Thăng, Cẩm Vịnh, thị trấn Cẩm Xuyên. Mô hình áp dụng phương pháp mạ khay máy cấy, bón phân hữu cơ, không phun thuốc bảo vệ thực vật.

Riêng vùng sản xuất tập trung tại thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình đã bước vào vụ sản xuất thứ 4 với quy mô trên 15 ha. Còn lại, vùng sản xuất ở các địa phương khác đang sản xuất vụ đầu; áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó áp dụng bón bổ sung phân hữu cơ, giảm 60% phân vô cơ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Dực: Địa phương cần xác lập vùng sản xuất tập trung có hạ tầng đồng bộ, đảm bảo sản xuất hữu cơ; phải bàn bạc tạo đồng thuận cao; khẳng định được quy trình canh tác và rút ra bài học kinh nghiệm trong quản lý.

Đánh giá hiệu quả về mặt kinh tế tại vùng sản xuất thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, vụ xuân 2024 năng suất ước đạt khoảng 3,3 tạ/sào. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lợi nhuận hơn 1 triệu đồng/sào, cao hơn sản xuất truyền thống hơn 400.000 đồng/sào. So với vụ sản xuất năm 2023, vụ xuân này, người dân xã Cẩm Bình đã giảm được 33% chi phí phân bón, giống. Việc giảm phân bón này là kết quả của quá trình cải tạo đất ở những vụ sản xuất trước.

Về mặt môi trường, sản xuất theo quy trình hữu cơ không sử dụng phân bón vô cơ góp phần cải tạo đất, tăng số lượng vi sinh vật trong đất, giảm chi phí sản xuất... Đặc biệt, cây lúa khi sản xuất theo quy trình hữu cơ đẻ nhánh khỏe, bông lúa dài và nhiều hạt, chống chịu với sâu bệnh tốt hơn sản xuất thông thường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà nhấn mạnh thời gian tới cấp ủy, chính quyền và người dân cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mô hình; duy trì và mở rộng các vùng sản xuất lúa hữu cơ trong vụ hè thu; hướng đến được cấp chứng nhận hữu cơ từ năm 2025.

Đối với các xã, cần tập trung cao cho sản xuất; đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, quan tâm quy hoạch vùng để đảm bảo hạ tầng. Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ; xây dựng thương hiệu gạo Cẩm Xuyên để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Cũng trong sáng 7/5, tại xã Tùng Lộc, UBND huyện Can Lộc tổ chức hội thảo đánh giá mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm.

Đại biểu tham quan mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở thôn Tài Năng, xã Tùng Lộc.

Thực hiện chương trình hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, vụ xuân 2024, UBND huyện Can Lộc phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Mô hình triển khai sản xuất giống lúa DT39 trên diện tích 15 ha tại thôn Vân Cửu, xã Khánh Vĩnh Yên; thôn Tài Năng, xã Tùng Lộc; thôn Phúc Tân, xã Kim Song Trường ứng dụng phương thức mạ khay, máy cấy Kubuta theo công nghệ Nhật Bản.

Theo đánh giá, trong quá trình sinh trưởng, cây lúa phát triển tốt so với lúa gieo thẳng ở các vùng đối chứng; cây đẻ nhánh khỏe, bộ lá chắc, đứng; bộ rễ phát triển tốt, ăn sâu; lúa trổ nhanh, thoát bông; ít nhiễm sâu bệnh. Dự kiến năng suất thực thu 66 tạ/ha, cao hơn so với 1 số giống lúa thuần tại địa phương. Chất lượng gạo thơm ngon, mềm, vị đậm, hạt thon nhỏ, dài.

Về hiệu quả kinh tế, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ứng dụng phương thức cấy máy mạ khay cho lợi nhuận cao hơn 440.000 đồng/sào so với sản xuất truyền thống. Đặc biệt, mô hình sản xuất theo quy trình hữu cơ góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, tạo ra sản phẩm an toàn.

Thời gian tới, huyện Can Lộc sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; xây dựng đề án phát triển thương hiệu gạo Can Lộc. Cùng với đó, các địa phương phổ biến để người dân biết về hiệu quả bước đầu mang lại của mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; quy hoạch vùng để tập trung chỉ đạo sản xuất, từng bước phát triển lúa hữu cơ theo đúng các quy chuẩn, quy định.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói