Trong bảng 24 tiết khí tại Bắc bán cầu theo quan điểm của người phương Đông (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam), tiết Hàn lộ (mát mẻ) là từ ngày 8 hoặc ngày 9 - 23/10; tiết Sương giáng (sương mù xuất hiện) từ ngày 23 hoặc 24/10 - 7/11; tiết Lập đông (sang đông) bắt đầu từ ngày 7 hoặc 8 - 22/11, sau đó đến tiết Tiểu tuyết.
Người dân Hà Tĩnh khăn len, áo ấm đón đợt rét đầu mùa.
Theo đó, lẽ ra mùa đông chưa bắt đầu, ấy thế mà, năm nay mùa đông lại đến sớm khác thường. Hai đợt không khí lạnh và gió mùa đến vào giữa và cuối tháng 10 đã gây nên những ngỡ ngàng, xáo trộn trong cuộc sống cũng như cảm xúc, tâm tư của con người.
Đợt không khí lạnh đầu tiên từ 13 - 19/10 do ảnh hưởng của cơn bão số 8 gây ra mưa lớn và không khí lạnh. Đợt không khí lạnh lần thứ 2 này bắt đầu từ ngày 22/10 đã kéo theo nhiệt độ giảm sâu khiến nhiều người phải soạn chăn, áo để giữ ấm.
Cửa hàng chủ động chọn thời điểm nhập hàng mới khi thời tiết chuyển lạnh.
Nếu như năm 2019 được ví là “không có mùa đông” khi cái nóng kéo dài mãi sang đến tháng 11 và đến tiết Đông chí vẫn chưa phải mang áo ấm; năm 2020, sau trận lũ lịch sử tháng 10, đến tận tháng 12 mới xuất hiện giá rét, thì mùa đông năm 2021 lại đến ngay từ những ngày nửa cuối tháng 10, khiến con người phải suy tính, dự đoán để thích ứng trong việc sản xuất, đời sống, sinh hoạt.
Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh thông tin: Trong các ngày từ 17 - 26/10, nhiệt độ trung bình tại Hà Tĩnh ở mức từ 18-20 độ C. Bản tin dự báo thời tiết của Đài Truyền hình Việt Nam cũng phản ánh hiện tượng mùa thu ngắn ngủi, mùa đông đến sớm. Đông sớm vào tháng 10 dương lịch là hiện tượng không phổ biến, không lặp lại thường xuyên.
Mô hình sản xuất lạc đông ở xã Đức Lạng (Đức Thọ).
Khả năng năm nay rét đậm, rét hại đến sớm vào tháng 12/2021. Rét sớm, rét sâu sẽ khiến người làm nông nghiệp phải ứng phó nhiều hơn, dài hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không khí lạnh về sớm thì bão muộn sẽ ít hơn, Hà Tĩnh có khả năng sẽ không còn phải hứng chịu nhiều trận bão nữa.
Sống giữa vùng “rốn lũ, tâm bão”, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, xưa nay, người dân Hà Tĩnh đã biết cách thích ứng, chống chọi với thiên tai. Vì thế, dẫu mùa đông đến sớm nhưng người dân đã sẵn sàng tâm thế để ứng biến.
Hơn 1.600 học sinh Hà Tĩnh “mắc kẹt” tại các tỉnh, thành do dịch COVID-19 đã trở về quê an toàn. Các trường học đang khẩn trương triển khai việc dạy học nhằm bù đắp kiến thức cho các em. Ảnh: Học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) trở về từ vùng dịch được các thầy cô giáo hỗ trợ kiến thức.
Bước vào mùa đông này, niềm vui và hy vọng ngập tràn trong lòng người dân Hà Tĩnh bởi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Trẻ em đã được tới trường, nhà máy, xí nghiệp vận hành trở lại, các hoạt động KT-XH cơ bản trở lại bình thường trong trạng thái có kiểm soát.
Qua thử thách khắc nghiệt, người dân càng vững tin ở sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Chính phủ. Qua gian nan, lòng người càng thêm vững tin ở ngày mai tươi sáng, để từ đó, nêu cao ý thức ứng phó với thiên tai, dịch bệnh.