Mưa lớn chia cắt nhiều tuyến đường các xã ở Vũ Quang. Ảnh: Văn Chung
Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, do ảnh hưởng của áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông, từ ngày 23/9 tới sáng 25/9, trên địa bàn tỉnh có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.
Lượng mưa đo được từ 7h ngày 23/9 đến 7h ngày 25/9 tại một số trạm thủy văn như sau: Thạch Đồng 84,2 mm; TP. Hà Tĩnh 101,1 mm; Kỳ Anh 101,7 mm; Hoành Sơn 69,9mm; Hương Sơn 238,1 mm; Sơn Kim 212 mm; Hương Khê 202 mm; Hòa Duyệt 255,2 mm; Chu Lễ 207 mm; Kẻ Gỗ 89mm; Sông Rác 95mm.
Nhiều tuyến đường ở thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh, Vũ Quang bị chia cắt. Ảnh: Văn Chung
Mưa lớn đã gây ra ngập lụt tại một số địa phương miền núi Hà Tĩnh. Tại huyện Hương Sơn, ngập cục bộ một số đoạn thấp trũng trên các tuyến quốc lộ 281 đoạn qua xã Kim Hoa; đường liên xã Tây Lĩnh Hồng đoạn qua xã Sơn Hồng; đường liên xã Ninh Tiến đoạn qua xã Sơn Tiến.
Tại huyện Vũ Quang có 4 xã hạ huyện ngập cục bộ, một số thôn đã bị cô lập. Cụ thể: xã Đức Hương ngập hai tuyến tại thôn Hương Hòa, Hương Giang; xã Đức Bồng ngập 5 tuyến dài 4,5 km tại các thôn 4, 5, 7, 8; xã Đức Lĩnh ngập 2 tuyến dài 0,5km tại thôn Cừa Lĩnh, Yên Du; xã Đức Giang ngập 1 tuyến thôn 1 Bồng Giang dài 0,8km.
Nhà máy Thủy điện Hố Hô điều tiết nước qua tràn từ rạng sáng 25/9.
Trước tình hình mưa lớn kéo dài, nhà máy thủy điện Hố Hô điều tiết nước qua tràn từ 0h30 ngày 25/9 với lưu lượng xả 328 m3/s; thời điểm xả lớn nhất lúc 1h30 là 948 m3/s; lúc 6h ngày 25/9 xả qua tràn 332 m3/s.
Mưa lớn cũng đã gây ra thiệt hại cho một số địa phương ở Hà Tĩnh. Trong đó, tại huyện Đức Thọ có 31 hộ bị tốc mái (xã An Dũng 15 hộ, xã Tân Dân 16 hộ); 223 cây bóng mát, cây ăn quả bị đổ; 4 cột điện và 4 cột viễn thông bị gãy đổ.
Mưa lớn cũng gây ra vụ sạt lở đất lúc 3h30 ngày 25/9 tại xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) làm 2 cháu nhỏ trong một gia đình bị thương, phải nhập viện.
Vụ sạt lở đất ở xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn.
Trước dự báo toàn tỉnh sẽ tiếp tục có mưa lớn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để có phương án ứng phó phù hợp; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông, ven suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực, trục đường giao thông bị ngập, không cho người và phương tiện qua lại. Rà soát các khu vực có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất để chủ động các phương án đảm bảo an toàn.
Tăng cường kiểm tra các công trình tiêu, thoát lũ, nhất là các cống tiêu lớn như: Đò Điểm, Đồng Huề, Trung Lương… để chủ động tiêu thoát nước chống ngập úng.