“Mưa vàng hạ nhiệt”, nông dân Hà Tĩnh thuận lợi chăm sóc lúa hè thu

(Baohatinh.vn) - Những cơn mưa xuất hiện trong mấy ngày qua đã bổ sung nguồn nước, làm dịu nhiệt trên đồng ruộng Hà Tĩnh sau thời gian dài nắng hạn. Điều này giúp bà con sớm hoàn thành tỉa dặm, bón thúc lúa hè thu.

Sau cơn mưa dông vào chiều 28/6, bà con nông dân xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) ra đồng hoàn thành tỉa dặm số diện tích lúa còn lại.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, lượng mưa các khu vực từ ngày 25/6 - 28/6 đo được tại các trạm đo mưa tự động cụ thể: Thạch Xuân (Thạch Hà) 124 mm, Phú Gia (Hương Khê) 94 mm, Sơn An (Hương Sơn) 84 mm, Chi cục Thủy lợi (TP Hà Tĩnh) 63 mm, Linh Cảm (Đức Thọ) 57 mm, Mỹ Lộc (Can Lộc) 39 mm... Mưa rào và dông rải rác ở một số địa phương nhưng đã giúp giảm nhiệt đáng kể sau chuỗi ngày nắng nóng, cung cấp nguồn nước tưới quan trọng cho cây trồng. Quan trọng hơn, mưa xuất hiện đúng vào giai đoạn lúa hè thu cần nước tưới và chăm sóc, bón thúc để chuẩn bị cho kỳ đẻ nhánh, vì thế rất được bà con nông dân đón đợi.

Sau cơn dông vào chiều 28/6, đồng ruộng của xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên) trở nên dịu mát hơn. Bà con nông dân cũng tranh thủ ra đồng tỉa dặm, bón thúc, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu… Bà Trần Thị Vân (thôn Đông Hạ, xã Cẩm Vịnh) chia sẻ: “Cha ông ta thường nói mưa tháng 6, máu rồng, cơn mưa chỉ xuất hiện chưa đầy 1 tiếng đồng hồ nhưng đi kèm các đợt sấm, chớp chính là nguồn đạm tự nhiên quý giá cho cây lúa tăng tốc phát triển trong giai đoạn đẻ nhánh. Tôi vẫn còn 4 sào lúa chưa được tỉa dặm, phải tranh thủ thời gian để làm cho xong để kịp bón thúc đợt 1”.

Nhờ những cơn mưa giải nhiệt, đồng ruộng xã Trung Lộc, huyện Can Lộc trở nên tươi xanh hơn.

Còn đối với ông Nguyễn Xuân Hạnh (thôn Bình Minh, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc), những cơn mưa cũng giúp ông xuống đồng làm cỏ, bón thúc, phun thuốc trừ sâu hiệu quả hơn. Ông Hạnh chia sẻ: “Nhờ gieo cấy sớm, bà con vùng này cơ bản đã tỉa dặm xong, vừa lúc này thì có mưa xuống. Tôi tranh thủ làm cỏ, khơi thông dòng chảy để lấy thêm nước vào ruộng và bón phân để cây lúa hấp thụ tối đa được dinh dưỡng. Ở vùng này, mưa xuất hiện chủ yếu trong ngày 25, 26/6 vừa qua, dù thời gian chỉ khoảng 30 phút nhưng tập trung, dày hạt nên đồng ruộng vẫn được hấp thu lượng nước đáng kể. Đây đúng là mưa vàng mà thiên nhiên đã ưu ái cho bà con nông dân”.

Đối với người dân vùng cuối nguồn tưới như xã Đồng Môn, Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh), xã Việt Tiến, Thạch Kênh (huyện Thạch Hà), vùng thượng huyện Kỳ Anh hay những huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn… thì trận mưa chưa thể “cắt” hoàn toàn nguy cơ hạn hán nhưng đã góp phần cung cấp lượng nước nhỏ để cây hấp thu tốt chất dinh dưỡng trong giai đoạn chăm sóc quan trọng này.

Nước đã về với vùng cuối kênh của TP. Hà Tĩnh.

Anh Trần Xuân Bảo (thôn Liên Thanh, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Thuộc vùng tưới cuối kênh nên nước về chậm, trong điều kiện nắng nóng liên tục kéo dài khiến cho cây lúa bị vàng, chậm phát triển. Những ngày qua, mưa thường xuất hiện làm đất đai dịu mát hơn, áp lực dùng nước của các vùng đầu kênh tưới cũng sẽ giảm, giúp cho nước đẩy về nhanh hơn với những vùng cuối kênh. Chúng tôi đang tranh thủ tối đa để hoàn thành tỉa dặm, bón thúc theo đúng thời vụ”.

Bà con nông dân toàn tỉnh đang tranh thủ tối đa thời gian bón thúc đợt 1 để chuẩn bị cho lúa bước vào kỳ đẻ nhánh.

Sản xuất lúa đang bắt vào giai đoạn tưới dưỡng, chuẩn bị cho lúa bước vào kỳ đẻ nhánh. Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, các địa phương cần lưu ý duy trì đủ nước; hướng dẫn người dân bón thúc đợt 1 phù hợp, cân đối chất dinh dưỡng. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phòng trừ các đối tượng dịch hại như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu keo...

Ngành chuyên môn cũng khuyến cáo, thời gian tới, thời tiết dự báo còn xảy ra nhiều đợt nắng nóng, bà con nông dân cần theo dõi, có giải pháp để giữ nước trong mặt ruộng, nhằm tiết kiệm các lượt tưới để dành nước cho cuối vụ.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói