Nông dân thôn Thượng Phú (xã Hồng Lộc) bón thúc cho lúa hè thu giai đoạn sắp đẻ nhánh.
Xã Hồng Lộc đã hoàn thành xuống giống vụ hè thu cách đây hơn 10 ngày. Hiện nay, bà con nông dân đang tập trung đưa nước vào đồng ruộng chống hạn. Toàn xã gieo cấy 470 ha (nhiều hơn vụ hè thu năm ngoái 20 ha), nhưng nhờ ô thửa lớn, mọi công đoạn thuận lợi nên từ khâu đổ ải, cày bừa, xuống giống... chỉ mất khoảng 2 tuần, giảm được 1/3 thời gian so với trước. Công đoạn cày bừa cũng đã được cơ giới hóa 100%, giá thuê máy móc rẻ hơn các vụ trước từ 40 – 60.000 đồng/sào.
Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc Lê Viết Bình cho biết: “Những năm gần đây, trên đồng ruộng của chúng tôi đã có nhiều chuyển biến mang tính đột phá khi diện tích không ngừng tăng, ô thửa giảm (từ 4-5 thửa/hộ nay chỉ còn 1 thửa/hộ), hệ thống giao thông nội đồng và kênh mương tưới tiêu đầu tư đồng bộ, các loại giống mới cho năng suất cao, KHKT được đưa vào sản xuất. Do đó, vụ xuân vừa rồi năng suất lúa 60 tạ/ha. Vụ hè thu năm nay, xã phấn đấu đạt 50 tạ/ha, cao hơn các vụ hè thu trước khoảng 2,8 - 3 tạ/ha”.
Nông dân xã Ích Hậu dắm lúa kết hợp làm cỏ và be bờ giữ nước trên đồng ruộng vụ hè thu.
Cũng là một trong những “vựa lúa” của huyện Lộc Hà, xã Ích Hậu luôn là điểm sáng về sản xuất khi tuân thủ mùa vụ, linh hoạt với thời tiết, đảm bảo năng suất cao. Hiện nay, nông dân Ích Hậu đang gấp rút lấy nước, bón phân, chăm sóc đồng ruộng, chủ động kiểm tra dịch bệnh và chuột phá hại, nạo vét kênh mương thủy lợi, đào đắp đường nội đồng..., phấn đấu thu hoạch trước 10/9 để “chạy” lụt, đảm bảo “ăn chắc”.
Phó Chủ tịch UBND xã Ích Hậu Bùi Trọng Đỉnh cho biết: “Nhiều năm qua, chúng tôi đã tập trung chỉ đạo phủ kín diện tích đất lúa gắn với thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp, kỹ thuật sản xuất để tăng năng suất, sản lượng. Riêng vụ hè thu năm nay, toàn xã sản xuất 485 ha lúa (chiếm 99% diện tích cây trồng vụ hè thu và nhiều hơn năm ngoái 4 ha), phấn đấu đạt năng suất 58 tạ/ha (cao hơn vụ hè thu năm ngoái 2 tạ/ha), sản lượng ước đạt 2.813 tấn (cao hơn vụ này năm ngoái 120 tấn)”.
Năm 2023, huyện Lộc Hà sản xuất 2.628 ha lúa hè thu và hiện đã cơ bản hoàn thành gieo cấy. Theo thống kê, diện tích sản xuất vụ này nhiều hơn 55 ha so với vụ hè thu năm 2022, nhiều hơn 129 ha so với vụ hè thu năm 2021 và tăng 1.279 ha so với cách đây 10 năm. Không chỉ vụ hè thu mà tổng diện tích canh tác lúa năm nay (vụ xuân, vụ hè thu, vụ mùa) cũng tăng hơn so năm ngoái 100 ha và năm 2021 khoảng 319 ha.
Cùng với tăng diện tích, những năm gần đây, đồng lúa Lộc Hà còn cho thấy những chuyển biến rõ nét về giống. Theo đó, bộ giống đã được chọn lọc, giảm số lượng, trong đó tập trung cơ cấu các loại cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thổ nhưỡng để đưa vào sản xuất đại trà như: DQ 11, ADI 168, QP 5, LP 5, TH 3-3, TH 3-5, ADI168... Hiện nay, tỷ lệ giống lúa chất lượng trên địa bàn ước đạt gần 70% (tăng 50% so với cách đây 10 năm), góp phần quan trọng để tăng năng suất, sản lượng.
Nông dân thôn Tân Trung (xã Tân Lộc) phun thuốc diệt sâu cuốn lá, bảo vệ lúa hè thu.
Ngoài ra, trên đồng ruộng Lộc Hà đều được tập trung đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm sức lao động, đảm bảo tiến độ mùa vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Lộc Hà đang có 25 máy gặt đập liên hợp, hàng trăm máy gặt cầm tay, 50 máy làm đất loại công suất lớn, 161 máy làm đất công suất dưới 23 CV.
Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch lúa ở Lộc Hà đạt 97 - 98%; trong đó, có nhiều địa phương làm tốt như: Hồng Lộc (2 máy gặt đập liên hợp, 21 máy làm đất các loại), Ích Hậu (4 máy gặt đập liên hợp, 12 máy làm đất), Thạch Mỹ (7 máy gặt đập liên hợp, 8 máy làm đất)...
Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà - Nguyễn Văn An cho biết: Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, chúng tôi đang tập trung tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn để tạo bước đột phá trong sản xuất; trong đó, cây lúa là trọng tâm.
Thời gian tới, Lộc Hà tập trung tích tụ ruộng đất để đến 2025 đạt khoảng 1.610 ha; tích cực khảo nghiệm và lựa chọn loại ngắn ngày, năng suất cao, gạo ngon; đổi mới tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất lúa tập trung theo hướng hữu cơ, tăng liên kết sản xuất và tiêu thụ. Huyện cũng sẽ tiếp tục chuyển đổi lúa mùa sang hè thu tại các vùng đã đảm bảo nước tưới từ kênh trục sông Nghèn để đến năm đến 2025 có tổng diện tích gieo cấy đạt 5.500 ha; chú trọng áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, tăng cường cơ giới hóa và nâng cao vai trò của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp…