Băngrôn chào mừng Mỹ mở Đại sứ quán tại Jerusalem chăng trên một cây cầu gần lãnh sự quán Mỹ trong khu phố Do Thái của Arnona ngày 13/5. (Nguồn: EPAP/REX)
Không chỉ đẩy cuộc xung đột Israel-Palestine tiếp tục lún sâu vào thế bế tắc, hành động của Mỹ đang làm bùng phát thêm "điểm nóng” mới tại vùng đất Trung Đông vốn đã đầy những "mồi lửa” mâu thuẫn và chia rẽ.
Việc chính thức khánh thành trụ sở đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem là bước đi "hiện thực hóa” tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối năm ngoái khi công nhận vùng đất linh thiêng này là thủ đô của Israel.
Đây cũng được xem là hành động nhằm thực thi một lời hứa mà ông Trump, khi là ứng cử viên tổng thống Mỹ, đưa ra trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại tháp Trump ở New York, cũng là cam kết tranh cử của ông Trump trước các lực lượng bảo thủ ở Mỹ.
Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ chọn ngày 14/5 là ngày chính thức mở đại sứ quán mới tại Jerusalem. Một ngày trước sự kiện này, Israel đã kỷ niệm Ngày Jerusalem, ngày mà người dân nước này cho là "ngày thống nhất thành phố.” Ngày mở cửa đại sứ quán Mỹ cũng trùng với lễ kỷ niệm 70 năm lập quốc của Israel.
Trong khi đó, ngày 15/5 lại là ngày người Palestine gọi là "Nakba." hay "ngày thảm họa." để tưởng niệm quãng thời gian đen tối khi 700.000 người Palestine phải rời bỏ quê hương sau sự kiện nhà nước Israel ra đời năm 1948.
Do đó, việc lựa chọn ngày 14/5 để chính thức mở cửa đại sứ quán mới của Mỹ tại Jerusalem có thể xem như một động thái mang tính biểu tượng nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh Trung Đông. Tuy nhiên, bước đi này cũng là một sự khiêu khích, không tôn trọng đối với người dân Palestine nói riêng và cộng đồng Arab nói chung.
Là thánh địa được xem như nơi khởi nguồn của 3 tôn giáo lớn gồm Do Thái giáo, Hồi giáo và Thiên chúa giáo với hàng loạt các công trình lịch sử, Jerusalem từ lâu luôn là một trong những điểm nóng căng thẳng nhất trên thế giới suốt hàng trăm năm qua.
Vây quanh bởi những bức tường hơn 700 năm tuổi, Thành cổ Jerusalem chứng kiến nhiều bất đồng và mâu thuẫn trong lịch sử tồn tại và phát triển của Trung Đông.
Chủ quyền của Jerusalem lâu nay vẫn là vấn đề nhạy cảm và là mấu chốt của cuộc xung đột Israel-Palestine.
Trong cuộc chiến năm 1967, Israel đã chiếm hoàn toàn lãnh thổ Jerusalem và tuyên bố thành phố là thủ đô của mình. Tuy nhiên, điều này không được cộng đồng quốc tế thừa nhận và không có đại sứ quán nước ngoài nào đóng ở Jerusalem.
Trong khi đó, Palestine luôn xác định Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai. Điều này lý giải tại sao quy chế cuối cùng của Jerusalem được xem là một trong những vấn đề gai góc nhất trong tiến trình hòa bình Oslo những năm 90 của thế kỷ trước. Vấn đề Jerusalem cũng vì thế luôn được ví như "mồi lửa” có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào.
Có thể nói, việc Mỹ chính thức chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv tới vùng đất thánh này đồng nghĩa với việc mặc nhiên thừa nhận đây là thủ đô vĩnh viễn của Nhà nước Do Thái.
Hành động này đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập niên qua đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, đặc biệt khi Washington đang giữ vai trò trung gian nhằm thúc đẩy một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel.
Đó là giải pháp hai nhà nước được Liên hợp quốc đề xuất dựa theo đường biên giới trước năm 1967, cho phép người Palestine có quyền tự quyết, có một nhà nước độc lập và chủ quyền, với thủ đô đặt tại Đông Jerusalem.
Hành động của Mỹ cũng đi ngược lại lập trường của cộng đồng quốc tế trong giải quyết vấn đề quy chế của Jerusalem, cũng như thúc đẩy "con tàu hòa bình” Trung Đông giữa Israel và Palestine.
Hơn bao giờ hết, Jerusalem đã trở thành khu vực dễ dàng "bắt lửa” nguy hiểm, mà hành động đơn phương của Mỹ có thể khiến cuộc xung đột Israel-Palestine leo lên một nấc thang căng thẳng mới, đồng thời đe dọa nền an ninh tại khu vực Trung Đông vốn đang chìm trong bất ổn.
Các nhà quan sát nhận định quyết định của Mỹ mở đại sứ quán mới tại Jerusalem cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump đã hành động mà không quan tâm đến hậu quả từ làn sóng phản kháng của người Palestine và người Arab.
Nhìn lại năm 2000, chuyến thăm Núi Đền của Chủ tịch đảng "Likud” và Thủ tướng tương lai của Israel Ariel Sharon đã châm ngòi tạo nên phong trào Intifada lần thứ hai-phong trào đấu tranh của người Palestine chống Israel chiếm đóng vùng lãnh thổ giành được trong cuộc chiến tranh 6 ngày hồi năm 1967.
Trong hơn một tháng qua, ở khu vực Dải Gaza cũng chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình của người Palestine nhằm phản đối mạnh mẽ việc Mỹ chuyển đại sứ quán tới Jerusalem.
Theo các số liệu mới nhất từ giới chức y tế khu vực, các vụ đụng độ giữa người biểu tình Palestine và binh lính Israel đã khiến ít nhất 37 người Palestine thiệt mạng và hơn 1.600 người bị thương.
Đỉnh điểm của làn sóng biểu tình ấy có thể là ngày 15/5, khi người dân Palestine tưởng niệm "ngày thảm họa." Do đó, tình huống tới đây nhiều khả năng sẽ diễn biến đến mức không thể kiểm soát, vì ngay từ tháng 12 năm ngoái khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, phong trào Hamas của Palestine đã tuyên bố bắt đầu phong trào Intifada thứ ba.
Trong khi đó, phái đoàn Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) cũng nhấn mạnh việc di chuyển đại sứ quán Mỹ sẽ chỉ dẫn tới một cuộc xung đột tôn giáo.
Bước đi mới nhất của Mỹ rõ ràng là một hành động làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn luôn "căng như dây đàn" giữa người Israel và Palestine, đồng thời khiến tiến trình hòa bình đang đình trệ ở Trung Đông càng thêm khó khăn.
Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Nikolai Mladenov đánh giá nếu thêm một cuộc xung đột nữa bùng phát giữa Hamas và Israel, nó sẽ gây hậu quả tàn phá đối với người Palestine ở Dải Gaza, dẫn đến nguy cơ phá vỡ tình trạng ổn định hiện tại của Bờ Tây và tác động nặng nề tới Israel cũng như khu vực Trung Đông vốn đang vật lộn với 4 cuộc xung đột.
Ông Bruce Riedel, chuyên gia Viện Brookings, cựu sỹ quan Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nói rằng trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Israel leo thang ở Syria hiện nay, việc di chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem chẳng khác nào "đổ thêm dầu vào lửa" và đây là "động thái rất nguy hiểm."
Tương tự, bà Diana Buttu, một nhà phân tích chính trị khu vực và là cựu cố vấn cho Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, đánh giá quyết định của Mỹ có thể là một sai lầm, với việc khai trương đại sứ quán mới ở Jerusalem, tình hình căng thẳng Israel-Palestine có thể tồi tệ hơn bởi sự kiện trên "khuyến khích quyền lực cực đoan ở Israel."
Bà nêu rõ: "Ông Trump đang gửi đi một thông điệp rằng bạn có thể có được lãnh thổ bằng vũ lực. Đó thực sự là một thông điệp rất nguy hiểm trong khu vực này."
Về phần mình, ông Jeremy Ben-Ami, người đứng đầu tổ chức J Street của Mỹ ủng hộ giải pháp 2 nhà nước, gọi việc tái bố trí đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem là "một hành động tự sát," khiến Washington không còn nắm giữ bất kỳ vai trò nào trong việc thúc đẩy một thỏa thuận cuối cùng giữa Israel và Palestine.
Điều này cũng làm sụt giảm nghiêm trọng uy tín của chính quyền Mỹ như một nhân tố trung gian hòa giải tiềm năng trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine.
Thay vì thúc đẩy một giải pháp khả thi cho tiến trình hòa bình Trung Đông, việc Mỹ di chuyển đại sứ quán nước này tại Israel đến vùng đất Jerusalem đang trong vòng tranh chấp rõ ràng gây tổn hại và làm xói mòn triển vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine, khiến viễn cảnh này ngày càng ngoài tầm với.
Là vấn đề vô cùng phức tạp do lịch sử để lại, quy chế cuối cùng của Jerusalem phải được quyết định thông qua đàm phán giữa Israel và Palestine trên cơ sở luật pháp quốc tế, từ đó mới có thể tiến tới một nền hòa bình thực sự.
Do đó, dù Mỹ vẫn khẳng định cam kết đối với việc thúc đẩy hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine và tuyên bố "không tham gia vào các vấn đề liên quan đến trạng thái cuối cùng, bao gồm ranh giới cụ thể chủ quyền của Israel ở Jerusalem," thì vấn đề Jerusalem vẫn sẽ luôn là câu hỏi đầu tiên được nêu lên trong kế hoạch mang lại hòa bình Trung Đông.
Như nhận định của ông Aaron David Miller, Phó Chủ tịch Trung tâm Wilson, người từng tham gia đàm phán về hòa bình Trung Đông cho cả chính quyền đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ: "Vấn đề Jerusalem chính là rào cản chính trị lớn nhất cho các cuộc đàm phán. Những gì đang diễn ra khiến cho khả năng đạt được thỏa thuận về Jerusalem gần như là không thể xảy ra trong khi bạo lực sẽ vẫn tiếp diễn trong khu vực trong tương lai."
Sau việc Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, quyết định chuyển đại sứ quán tại Israel tới Jerusalem càng khiến dư luận đặt câu hỏi về vai trò của Washington như một đối tác có trách nhiệm ở Trung Đông.