Mỹ loay hoay đối phó với những "con sói đơn độc"

Vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ tại hộp đêm ở Orlando cho thấy cuộc chiến chống khủng bố trong lòng nước Mỹ, dù được triển khai từ nhiều năm nay, vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Số lượng mục tiêu cần diệt quá lớn, trong khi nguồn lực có hạn và quyền tự do cá nhân vẫn phải được ưu tiên hàng đầu, là những nguyên nhân khiến Washington đến nay vẫn loay hoay đối phó với những "con sói đơn độc".

my loay hoay doi pho voi nhung soi don

Omar Mateen, kẻ thực hiện vụ xả súng vào đám đông trong hộp đêm đồng tính Pulse ở thành phố Orlando, bang Florida ngày 12/6. (Ảnh: CBS News)

Cảnh sát đã xác định danh tính của kẻ thực hiện vụ xả súng hàng loạt tại hộp đêm Pulse ở thành phố Orlando, bang Florida khiến 49 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương rạng sáng ngày 12/6 là Omar Mateen. Tuy nhiên, sát thủ này không phải là gương mặt mới đối với các cơ quan điều tra an ninh của Mỹ. Năm 2013, Cục điều tra liên bang Mỹ FBI thẩm vấn Mateen vì nhận được tin báo về những bình luận kích động của tên này liên quan tới khủng bố. Một năm sau đó, Mateen tiếp tục bị thẩm vấn lần 2 vì FBI phát hiện y có dính líu tới một công dân Mỹ đang chiến đấu cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Tuy nhiên cả 2 lần, cơ quan này đều phải thả Mateen vì không đủ bằng chứng thuyết phục để buộc tội y.

Mặc dù từ nhiều năm nay, Washington đã triển khai nhiều chiến dịch nhằm tiêu diệt các nhóm khủng bố như IS ở nước ngoài nhưng thực tế cho thấy, sự phát triển về công nghệ đã cho phép những tư tưởng cực đoan của các tổ chức khủng bố này vượt ra khỏi biên giới quốc gia và lôi kéo các phần tử ở khắp mọi nơi trên thế giới. Những kẻ sùng đạo đã đặt niềm tin vào các tư tưởng đó mà không cần tiếp xúc trực tiếp với các phần tử khủng bố. Thậm chí, ngay cả khi một kẻ bị tình nghi là có liên quan đến khủng bố như Omar Mateen, dù từng lọt vào tầm ngắm của các cơ quan thực thi luật pháp ở Mỹ cách đây 3 năm, cũng không bị kết tội vì chưa có đủ bằng chứng để có thể tiếp tục điều tra.

Quyền tự do cá nhân của người Mỹ

my loay hoay doi pho voi nhung soi don

Mỹ là quốc gia sử dụng súng nhiều nhất thế giới, với ước tính khoảng 270 triệu đến 310 triệu khẩu súng đang được lưu thông. (Ảnh minh họa: Getty)

Việc đấu tranh để đưa những kẻ bị tình nghi là khủng bố ra ánh sáng mà vẫn đảm bảo quyền tự do cá nhân cơ bản không bị xâm hại theo quy định của Hiến pháp và pháp luật Mỹ đã đặt ra cho các cơ quan chức năng không ít khó khăn.

“Các cơ quan an ninh đang theo dõi hàng trăm trường hợp khả nghi, nhưng thực tế có tới hàng nghìn đối tượng đã sa vào mạng lưới của các tổ chức khủng bố. Tính phức tạp của việc cố gắng tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp và Hiến pháp trong khi vẫn phải duy trì các biện pháp an ninh tối ưu thực sự là một thách thức”, Bloomberg dẫn lời Shawn Henry, cựu trợ lý giám đốc FBI, cho biết.

Các quan chức cấp cao của cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, trong đó có Giám đốc FBI James Comey, từng đưa ra cảnh báo cách đây vài năm về mối đe dọa từ các vụ tấn công kiểu “sói đơn độc”. Những kẻ khủng bố “sói đơn độc” tự “giác ngộ” tư tưởng cực đoan và tự lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công với quy mô không hề thua kém bất kỳ một cuộc tấn công có tổ chức nào khác. Điều đáng nói là, các cơ quan an ninh thường gặp khó khăn để phát hiện và ngăn chặn những vụ tấn công kiểu này vì hoạt động độc lập của chúng.

my loay hoay doi pho voi nhung soi don

Biểu đồ so sánh quy mô của 10 vụ thảm sát kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ. Cột màu da cam là số người chết, cột màu xanh dương là số người bị thương, tương ứng với từng vụ việc (Ảnh: LATimes)

Một thách thức nữa đặt ra cho các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật là họ không biết khi nào những tư tưởng cực đoan sẽ vượt ngưỡng và phát triển thành hành động tấn công. “Nếu nhìn từ bên ngoài, thường rất khó để xác định bước chuyển biến từ một người có chút ít tư tưởng cực đoan thành một kẻ sẵn sàng tiến hành tấn công bạo lực, trừ khi hắn chia sẻ với những người khác trên mạng xã hội hoặc qua điện thoại”, ông Daniel Benjamin, Giám đốc trung tâm Dickey thuộc Đại học Dartmouth cho biết.

Những nỗ lực chống khủng bố còn gặp nhiều khó khăn hơn khi tiến hành ở Mỹ, nơi quyền tự do ngôn luận và sở hữu súng đạn được ghi nhận là quyền cơ bản. “Nếu chỉ căn cứ trên những lời bình luận hoặc nhận xét của một người nào đó thì chưa đủ bằng chứng để bắt giữ anh ta”, Nghị sĩ Marco Rubio, thành viên của Ủy ban tình báo Mỹ, chia sẻ với CBS News.

Theo ông Benjamin, bản thân những kẻ khủng bố “sói đơn độc” không có khả năng tiến hành những vụ tấn công phức tạp và quy mô lớn vì chúng chỉ có một mình, nhưng chính những vũ khí tấn công mà chúng nắm trong tay mới là công cụ gây ra những vụ thảm sát đẫm máu như vậy.

Sự hạn chế về nguồn lực của các cơ quan thực thi pháp luật

my loay hoay doi pho voi nhung soi don

Nguồn lực của FBI hiện chưa đủ để kiểm soát tất cả các đối tượng tình nghi ở Mỹ (Ảnh: (Wordstream)

Theo ông Henry, cựu quan chức FBI, các văn phòng của FBI trên cả nước vẫn thường xuyên xem xét lại các hoạt động giám sát của cơ quan này và xác định các cuộc điều tra ưu tiên trong từng thời điểm. Mặc dù vậy, “số lượng đối tượng cần điều tra quá lớn, trong khi nguồn lực của FBI có hạn nên không thể giám sát tất cả các đối tượng mọi lúc mọi nơi”, ông Henry nhận định.

Việc ngăn chặn các cuộc tấn công theo kiểu “sói cô độc” ở Mỹ thực sự rất khó vì quy định của luật giới hạn khả năng của các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan tình báo về phạm vi giám sát trên internet mà họ có thể thực hiện đối với các đối tượng tình nghi, cũng như nguồn lực hạn chế của các cơ quan này.

Peter King, nhân viên của Ủy ban an ninh nội địa, nhận định “FBI không đủ nhân lực để có thể để mắt tới tất cả mọi người. Việc phát hiện ra các đối tượng tình nghi chẳng khác nào mò kim đáy bể”.

Theo ông King, khi phát hiện các đối tượng tình nghi như Omar Mateen, FBI nên chia sẻ thông tin với lực lượng cảnh sát địa phương, như cảnh sát bang Florida, để họ có thể giúp FBI theo dõi chặt chẽ tên này. “Nếu không làm vậy, rất có thể sẽ xảy ra những vấn đề đáng lo ngại trong tương lai”, ông King nhận định.

Theo Bloomberg/Dantri

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.