Ngã ba Đồng Lộc, những giá trị vĩnh hằng

(Baohatinh.vn) - Trái tim của triệu người Việt Nam luôn hướng về Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), cho thấy những giá trị to lớn mà chiến thắng Đồng Lộc mang lại sẽ tiếp tục tỏa sáng trong lòng đất nước và Nhân dân.

Nghìn năm sau, lịch sử sẽ còn ghi/ Những năm tháng chiến tranh ác liệt/ Nghìn vạn chuyến xe đi/ Qua trái tim Ngã ba Đồng Lộc/ Máu qua tim máu lọc/ Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam(*).

Những con đường “được nối bằng tất cả tâm hồn và trí lực”

Chiều tháng 7 năm nay - 2021, đúng ngày 24/7, ngày hy sinh của 10 cô gái TNXP, tôi lại về Đồng Lộc. 23 năm đi về trên quãng đường này, lòng vẫn chưa nguôi xúc động. Ba Giang - Đồng Lộc, một trong 3 nhánh của ngã ba, con đường quen thuộc nhất của những chuyến đi về, hôm nay đã thênh thang, đẹp đẽ.

Ngã ba Đồng Lộc, những giá trị vĩnh hằng

Đồng Lộc trong màu xanh thời đại

53 năm, hòa bình đã mang về gam màu mới cho những miền quê từng là trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ trong những năm chiến tranh. 53 năm, vẫn vẹn nguyên giá trị của lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp và bài học sâu sắc về tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến thắng kẻ thù của các lực lượng đã chiến đấu và hy sinh tại ngã ba anh hùng.

Bức thư chị Võ Thị Tần gửi mẹ 5 ngày trước lúc hy sinh là bằng chứng hùng hồn nhất nói lên lẽ sống cao đẹp, tinh thần xả thân vì nước của những nam nữ thanh niên ngày ấy, không chỉ là thanh niên xung phong (TNXP): “Đoạn đường đang được nối liền bằng tất cả tâm hồn và trí lực của chúng con... Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng nhưng không thể lay chuyển được những trái tim của chúng con. Mẹ ạ! Thằng Mỹ còn hung hăng thì còn nhiều chuyện để kể cho mẹ nghe về sự thất bại của chúng trên mảnh đất nhỏ bé nhưng kiên cường này...”.

Ngã ba Đồng Lộc, những giá trị vĩnh hằng

Lá thư của chị Tần được dựng lại ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc là nơi được nhiều bạn trẻ tìm đọc, lưu lại kỷ niệm trong những chuyến về thăm (Ảnh tư liệu).

Hôm nay và mai sau, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ được xem lại những lời tâm sự với mẹ từ đáy lòng của một cô gái sống trong cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo. Cô gái ấy, cũng như hàng nghìn, hàng triệu thanh niên Việt Nam, đã gác lại lời hẹn ước với người mình yêu để cùng ra mặt trận, dốc tất cả tình yêu Tổ quốc, bầu máu nóng tuổi trẻ cho cuộc chiến đấu giành lại hòa bình, tự do. Đó cũng là lời tuyên ngôn giữ nước của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời chiến. Mười cô gái Đồng Lộc là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam tại ngã ba này.

Sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân

Đã có rất nhiều hội thảo khoa học đánh giá lại sự kiện chiến thắng Đồng Lộc. Cũng có người băn khoăn về 2 từ “chiến thắng” khi không có trận chiến cụ thể. Nhưng, Ngã ba Đồng Lộc là một cuộc chiến kéo dài từ tháng 4 - 8/1968, những ngày tháng cao điểm bắn phá của giặc Mỹ tại cung đường huyết mạch 15A trong hệ thống đường Trường Sơn, sau khi đường 1A bị cắt đứt, ta chuyển sang hướng vận tải ở đây. Chúng ta đã làm thất bại âm mưu nhằm cắt đứt tuyến đường chi viện vào Nam của địch. Dù chúng đã đổ xuống đây hàng nghìn tấn bom đạn nhưng ta đã chiến thắng: đường vẫn thông, xe vẫn chạy.

Ngã ba Đồng Lộc, những giá trị vĩnh hằng

Khu mộ 10 nữ anh hùng TNXP Ngã ba Đồng Lộc.

Nơi túi bom khổng lồ, mỗi mét vuông chịu 3 quả bom các loại, đất đá cày lên xới lại không biết bao nhiêu lần, cũng là nơi đọ sức giữa lòng yêu nước, ý chí quyết tâm thông đường với bom đạn tối tân của kẻ thù. 1,6 vạn người (lúc cao điểm) đã được điều về khu vực Đồng Lộc và các xã lân cận, gồm: 7/8 đại đội TNXP Tổng đội 55; Trung đoàn pháo 210, Trung đoàn pháo cao xạ bộ đội địa phương Hà Tĩnh; ½ đại đội chủ lực giao thông (có Anh hùng La Thị Tám), ½ Đại đội cầu, 3 Đại đội công trình II, III và IV; Tổ máy gạt Uông Xuân Lý; đội xe ben tải của Công ty Cơ giới giao thông thuộc Sở GTVT; Tổ máy gạt Cục Công trình I Bộ GTVT; đội xe của Binh trạm 9; Tiểu đội Cảnh sát giao thông Công an tỉnh; lực lượng dân quân, Nhân dân Đồng Lộc và các xã lân cận. Tất cả các “binh chủng” ấy đã tạo nên một sức mạnh vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, của Ban Đảm bảo giao thông tỉnh do đồng chí Trần Quang Đạt - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh làm Trưởng ban.

Tại ngã ba trọng điểm này, đã có bao huyền thoại được viết nên. Đó là Tiểu đội 4 - C552, trong đó có 10 cô hy sinh; C551 Anh hùng; A cảm tử phá bom của Tổng đội 55 TNXP; C557 được mệnh danh là đại đội thép; Đại đội trưởng Nguyễn Thị Lân từng được gặp Bác Hồ.

Ngã ba Đồng Lộc, những giá trị vĩnh hằng

Ngã ba Đồng Lộc là nơi tìm về của nhiều đồng đội...

Đó là người con gái Anh hùng La Thị Tám đã 200 ngày đêm đứng đếm bom trên đài quan sát núi Mòi; Anh hùng Uông Xuân Lý dũng cảm dùng lưỡi gạt của máy gạt để hất quả bom nặng ra xa; Anh hùng Vương Đình Nhỏ trở thành “vua phá bom” Đồng Lộc. Các anh hùng Nguyễn Xuân Lứ, Nguyễn Tri Ân, Nguyễn Tiến Tuẩn, Đoàn Minh Nguyệt, Võ Triều Chung hay 2 liệt sỹ hy sinh tại cầu Tối là Lê Đăng Dương và Phan Văn Tài… mỗi người một nhiệm vụ nhưng đều giống nhau ở tinh thần sẵn sàng xả thân hy sinh cho đường thông, xe chạy vì sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Cũng chính tại “tọa độ chết” này, lý tưởng sống của cả một thế hệ thanh niên được minh chứng rõ nét. Bức thư chị Hồ Thị Cúc gửi cho chú mự có những dòng thật sống động: “Chú mự ơi! Con đang suy nghĩ về nhiệm vụ của lứa tuổi thanh niên, vì đất nước phải xa rời chú mự... Con xin hứa với chú mự và các em rằng con quyết làm tròn nhiệm vụ Tổ quốc giao phó”.

Những tâm hồn phơi phới tuổi 20

Mỗi lần viết đến cụm từ “tuổi 20”, tôi lại rưng rưng xúc động và vô cùng ngưỡng mộ, biết ơn một lứa thanh niên thời đại chống Mỹ luôn sẵn sàng hiến dâng thân mình cho Tổ quốc. Họ đã lên ngã ba trọng điểm này với tâm hồn lạc quan phơi phới, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Cũng chính tại nơi này, câu hò, câu hát, lời đùa nghịch vẫn vang lên át tiếng bom và bao nỗi mệt nhọc. Ngoài giờ ra trận là một không khí học tập, sinh hoạt nghiêm túc và sôi nổi. Niềm tin chiến thắng, những phút giây lãng mạn của tâm hồn thiếu nữ hòa cùng tâm thế lãng mạn cách mạng của cả một thế hệ. Những dòng thơ của chị Trần Thị Hường trong cuốn nhật ký thật đẹp:

Khi tuổi trẻ ai chẳng dành những phút

Những tâm hồn bay vút giữa không gian

Để ngợi ca cuộc sống đẹp vô vàn

Lòng vẫn thấy chân trời lan lan rộng

Cũng chính nơi đây, câu chuyện cô TNXP Lê Thị Nhị - “cô gái Thạch Kim, Thạch Nhọn” trêu đùa với anh lái xe Trường Sơn Phạm Tiến Duật đã thành thơ, thành nhạc. Tiếng bom không thể làm tắt được tiếng hát. Không chỉ chị Trần Thị Hường là “chim sơn ca” của Tiểu đội 4 - C552, chị Nguyễn Thị Hòe cũng là giọng ca nổi tiếng của C557. Trở về từ chiến trường Đồng Lộc với 1 chân, thương binh Nguyễn Thị Hòe dù đã già, một mình lẻ bóng nhưng không thôi tiếng hát, giọng ngâm. Cũng nơi này, tác giả Thanh Bính (Yến Thanh) đã có những vần thơ thật đẹp: “Xe em đi trăng đứng đợi trên đèo/ Xe em về trăng lại lẻn về theo”.

Ngã ba Đồng Lộc, những giá trị vĩnh hằng

Tri ân công lao của các anh hùng liệt sỹ, ngày nay, hàng năm tuổi trẻ Hà Tĩnh đều tổ chức thắp nến tri ân nhân kỷ niệm chiến thắng Đồng Lộc.

Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ta hiểu vì sao ta chiến đấu/ Ta hiểu vì ai ta hiến máu”. Lý tưởng cao đẹp, tâm hồn trong sáng, tràn đầy lạc quan, sẵn sàng nhận cái chết về mình để dành sự sống cho đồng đội, cho Nhân dân của hàng nghìn người thuộc các lực lượng, trong đó chủ yếu là thanh niên tại Ngã ba Đồng Lộc đã làm sáng ngời chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những giá trị vĩnh hằng mà chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc đã để lại cho hôm nay và muôn đời sau. Những bước chân của hàng triệu người hôm nay vẫn tiếp tục hướng về Ngã ba Đồng Lộc, cho thấy những giá trị to lớn mà chiến thắng Đồng Lộc mang lại sẽ tiếp tục tỏa sáng trong lòng đất nước và Nhân dân.

---------------

(*) Thơ Huy Cận

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.