Ngày xuân nghe nông dân Hà Tĩnh kể chuyện làm nông nghiệp hiện đại

(Baohatinh.vn) - Họ là những “lão nông tri điền”, gắn bó với nghề nông hàng chục năm hay là những thanh niên bản lĩnh, năng động, chọn nông nghiệp là “mảnh đất” khởi nghiệp. Những nông dân ở Hà Tĩnh đang ngày càng khẳng định mình trên con đường sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Ông Đinh Phúc Tiến (thôn Đông Trà, xã Hương Trà, Hương Khê): Nông dân là trung tâm thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Năm 2017, được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, tôi đã đầu tư 150 triệu đồng lắp đặt trạm thời tiết thông minh công nghệ iMetos và hệ thống tưới tự động để phục vụ sản xuất tại nhà vườn chuyên ươm cây giống.

Đây là hệ thống dự báo lượng mưa, thời gian mưa, báo động lượng mưa quá ngưỡng, nhiệt độ cực đoan như nóng, lạnh, rét đậm, rét hại, sương muối… trên phạm vi bán kính 5 - 20 km. Từ khi áp dụng hệ thống này, công việc tưới tiêu chủ động hơn và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong 5 năm qua, doanh thu bình quân từ sản xuất kinh tế vườn đạt 1,2 - 1,5 tỷ đồng/năm.

Ngày xuân nghe nông dân Hà Tĩnh kể chuyện làm nông nghiệp hiện đại

Ông Đinh Phúc Tiến (thôn Đông Trà, xã Hương Trà, Hương Khê).

Đây cũng chính là nền tảng để tôi tiếp tục triển khai các ứng dụng công nghệ cao, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu. Và chúng tôi - những nông dân phải mạnh dạn bước qua “vùng an toàn” để thay đổi cách làm, tích cực đầu tư ứng dụng công nghệ cao, tiếp cận thị trường tốt hơn, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Anh Lê Doãn Hùng (thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh, Vũ Quang): Canh tác hữu cơ để phát triển bền vững.

Cách đây 4 năm, với mong muốn tăng cao giá trị sản phẩm, tôi mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ 2 ha cam chanh sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Khác với cách làm truyền thống, trồng cam hữu cơ cần kiên trì và dày công chăm sóc. Tôi không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thay vào đó, ngâm ủ đỗ tương, cá, quả chuối làm phân bón. Còn thuốc trừ sâu được tạo ra từ hỗn hợp các loại củ, quả tự nhiên. Ngoài ra, tôi còn sử dụng thiên địch giúp diệt trừ sâu bệnh hại; thường xuyên ghi chép nhật kí chăm sóc cây…

Ngày xuân nghe nông dân Hà Tĩnh kể chuyện làm nông nghiệp hiện đại

Anh Lê Doãn Hùng (thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh, Vũ Quang).

Quá trình thực hiện, tôi đã được Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cùng các cơ quan ban ngành huyện Vũ Quang hỗ trợ phân bón hữu cơ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật. Vụ cam 2022, 2 ha cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt từ 10 - 15 tấn/ha. Giá bán tại vườn dao động từ 40 - 45 nghìn đồng/kg, trừ hết chi phí, tôi thu về khoảng 400 triệu đồng.

Để chia sẻ kinh nghiệm cũng như mong muốn có thêm nhiều người sản xuất theo hướng hữu cơ, tôi đã thành lập Tổ hợp tác trồng cam hữu cơ Doãn Hùng. Các thành viên được hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm, trồng cam hữu cơ đúng quy trình kỹ thuật. Tôi là tổ trưởng vừa sản xuất, vừa đảm nhiệm vai trò liên hệ, tiêu thụ. Hiện, cam hữu cơ Doãn Hùng đã có mặt tại các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.

Sản xuất cam hữu cơ tạo ra sản phẩm chất lượng, giá trị cao; tăng tuổi thọ cây; cải thiện được môi trường tự nhiên và bảo vệ sức khỏe cho chính người sản xuất và tiêu dùng. Đây chính là giá trị mà những người nông dân thế hệ mới như chúng tôi muốn hướng đến.

Anh Nguyễn Xuân Lộc (thôn Đức Phú, xã Thạch Trung): Tận dụng không gian đô thị giúp nông dân làm giàu.

Bén duyên với nông nghiệp cách đây vài năm, tôi may mắn tiếp cận những kiến thức khoa học trong sản xuất nông nghiệp; định hướng về việc chuyển đổi từ thuần nông sang xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp mới của TP Hà Tĩnh đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực. Đứng trước thời cuộc mới, tôi quyết định đầu tư mô hình trồng rau, củ, quả tập trung và nuôi trồng thuỷ sản trên diện tích đất tích tụ. Mô hình này rất phù hợp với điều kiện sản xuất ở vùng ven đô.

Ngày xuân nghe nông dân Hà Tĩnh kể chuyện làm nông nghiệp hiện đại

Anh Nguyễn Xuân Lộc (thôn Đức Phú, xã Thạch Trung).

Hiện nay, diện tích sản xuất 3 ha, trong đó, 2 ha đất tôi thuê lại của các hộ dân và 1 ha thuê đất do UBND xã quản lý. Tôi bắt tay vào xây dựng nhà màng với diện tích 700m2; lắp hệ thống tưới nước bằng vòi phun, thiết bị tưới nước tự động. Việc bón phân và phòng trừ sâu bệnh được thực hiện theo đúng quy trình. Năm 2022, tôi trồng dưa lưới giống TL3. Sau khi xuất bán, tôi thu về hơn 150 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, tôi cải tạo diện tích mặt nước thả hơn 1 vạn giống các loại tôm, cá, cho thu hoạch hơn 5 tấn cá, tôm các loại.

Sau những ngày đầu bỡ ngỡ, đến nay tôi đã trở thành một nông dân đô thị thực thụ. TP Hà Tĩnh thực hiện chuyển đổi, tập trung ruộng đất không chỉ tạo cơ hội cho tôi làm giàu mà còn thay đổi diện mạo vùng ven đô và tư duy của người dân trong việc áp dụng KHKT vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập.

Anh Nguyễn Thành Luân (xã Quang Diệm, Hương Sơn): Đồng hành, hỗ trợ nông dân trẻ vươn lên phát triển kinh tế.

Bằng sự nhạy bén của tuổi trẻ, tôi đã tiên phong tìm tòi áp dụng các ứng dụng khoa học kĩ thuật vào nuôi trồng, đầu tư thiết bị, máy móc, tạo phòng lạnh để nuôi trồng đông trùng hạ thảo. Dù là sản phẩm mới, đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao song với ý chí của tuổi trẻ, tôi luôn tin tưởng mình sẽ vượt qua mọi thử thách.

Hiện, tôi đã xây dựng được 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao là đông trùng hạ thảo sấy và rượu đông trùng hạ thảo. Cơ sở đã có các thiết bị như: máy lạnh, máy sấy, nồi hấp thanh trùng, máy phun sương tạo ẩm, nhà xưởng nuôi trồng và chế biến để thực hiện dự án, doanh thu mỗi năm trên 2 tỷ đồng.

Ngày xuân nghe nông dân Hà Tĩnh kể chuyện làm nông nghiệp hiện đại

Anh Nguyễn Thành Luân (xã Quang Diệm, Hương Sơn).

Với những cố gắng, tôi vinh dự nhận giải thưởng của Trung ương Đoàn dành cho nhà nông trẻ tiêu biểu - Giải thưởng Lương Định Của năm 2022.

Tôi hy vọng rằng, thời gian tới các cơ quan chức năng, các địa phương sẽ hỗ trợ kịp thời, hiệu quả để từ đó lớp thanh niên thế hệ mới sẽ ngày càng gắn bó với sản xuất nông nghiệp; trở thành nhân tố then chốt thúc đẩy phát triển một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa giá trị kinh tế cao; tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, vì sức khỏe cộng đồng.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Thời điểm này, người trồng mai tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc, kích nụ để phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.