Là sinh viên năm cuối của Khoa Cơ khí – Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh, Trần Quang Khải (sinh viên lớp Cao đẳng hàn K15) đã có 2 năm kinh nghiệm làm việc tại các xưởng cơ khí trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Vừa học vừa làm, Khải tranh thủ cơ hội để nâng cao tay nghề và kiếm thêm thu nhập trang trải cho việc học của mình.
Cơ hội việc làm rộng mở, nhiều sinh viên đang theo học nghề hàn ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh đã được nhận vào làm tại các xưởng cơ khí, gara ô tô
Khải cho biết: “Ngày lên lớp một buổi, buổi còn lại em làm thêm cho xưởng cơ khí. Tiền công cho một buổi thường từ 160 – 180 nghìn đồng tùy vào khối lượng công việc đảm nhận”.
Cũng theo Khải, hầu hết các sinh viên năm thứ 2, thứ 3 đều vừa học vừa làm như em. Nhu cầu tuyển dụng tại các xương cơ khí rất lớn, trong khi thợ thiếu nên với những thợ có tay nghề cao, họ trả lương hậu hĩnh.
Đã có kinh nghiệm làm nghề hàn hàng chục năm nay, anh Nguyễn Văn Nam (xã Thạch Lưu, Thạch Hà) cho biết: “Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng thợ hàn tại các xưởng gia công cơ khí, công trình xây dựng rất cao, thợ hàn, thậm chí là sinh viên đang theo học nghề hàn rất “đắt hàng”. Những thợ lành nghề thì mức lương thường là 500 – 600 nghìn đồng/ngày, thợ hàn bậc cao có thể được trả trên 1 triệu/ngày. Thu nhập cao nhưng các cơ sở cơ khí vẫn luôn trong tình trạng thiếu thợ”.
Những thợ hàn có tay nghề cao được các doanh nghiệp chào đón với mức lương hậu hĩnh
Lý giải cho tình trạng này, thầy Nguyễn Văn Duyệt – Phó trưởng Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức cho biết: “Tâm lý của nhiều người vẫn còn e ngại khi nghề hàn phải tiếp xúc nhiều với môi trường độc hại, nặng nhọc. Cùng với đó, xã hội phát triển, cơ hội việc làm trong nhiều ngành nghề khác rộng mở cũng góp phần khiến cho nghề hàn dù thu nhập cao nhưng vẫn không nhận được sự mặn mà của nhiều bạn trẻ.”
Một khó khăn nữa trong công tác đào tạo nghề hàn là chi phí đào tạo khá cao. Vật tư dùng trong các tiết thực hành cho nghề này như que hàn, phôi, khí bảo vệ… chỉ dùng được một lần, mức tiêu hao lớn. Nghề hàn lại đòi hỏi thực hành thường xuyên mới nâng cao được tay nghề, kỹ thuật.
Dù cơ hội việc làm rộng mở, thu nhập cao nhưng vẫn chưa nhiều bạn trẻ mặn mà với ngành học này
Nếu như năm 2013, Khoa Cơ khí của trường có hơn 700 sinh viên theo học nghề hàn thì đến năm 2018, chỉ còn hơn 400 em. Sự sụt giảm số lượng này đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung nhân lực cho các doanh nghiệp mà Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức đang hợp tác.
Thầy Nguyễn Văn Duyệt cũng cho biết: “Các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh đặt hàng đào tạo cho chúng tôi theo phương án “có bao nhiêu nhận bấy nhiêu”, những sinh viên đang theo học, doanh nghiệp cũng nhận thực tập và trả lương. Thậm chí có một số dự án vào thời kỳ cao điểm, các doanh nghiệp phải tranh giành thợ hàn, trả lương rất cao, nhưng nhà trường không đủ nhân lực cung ứng cho thị trường.”
Vật tư dành cho các tiết thực hành luyện tay nghề khá tốn kém
Để thu hút tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo, hiện nay, các đơn vị đào tạo nghề hàn đã đầu tư máy móc, công nghệ hàn tiên tiến, đổi mới chương trình đào tạo cho sinh viên. Nghề hàn cũng đã từng bước được hiện đại hóa, giảm sự tiếp xúc trực tiếp của con người để giảm thiểu các yếu tố độc hại, tăng độ an toàn trong quá trình lao động. Do vậy, các bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ để không bỏ qua một nghề có cơ hội việc làm cao, thu nhập ổn định như nghề hàn.