Nghi Xuân lên phương án chủ động tránh trú bão cho gần 1.000 tàu cá

(Baohatinh.vn) - Ðể đảm bảo an toàn cho gần 1.000 tàu cá và hơn 2.000 bà con ngư dân, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã chủ động xây dựng phương án, địa điểm cho tàu thuyền neo đậu tránh, trú bão.

Nghi Xuân lên phương án chủ động tránh trú bão cho gần 1.000 tàu cá

Toàn huyện Nghi Xuân có gần 1.000 tàu thuyền các loại

Nghi Xuân có chiều dài bờ biển 32 km, bờ sông 28 km, có 9 xã bãi ngang ven biển. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 952 tàu thuyền đang hoạt động và gần 2.000 lao động trực tiếp trên biển. Huyện có 2 cửa lạch là Cửa Hội (xã Xuân Hội) và Đồng Kèn (xã Cương Gián). Tuy nhiên, cửa lạch Đồng Kèn vừa hẹp lại vừa lắng cạn, do đó đã gây khó khăn cho hoạt động tàu thuyền trú ẩn khi có bão xảy ra.

Từ thực tế trên, để chủ động ứng phó với mưa bão, huyện Nghi Xuân đã chỉ đạo các địa phương kiểm đếm phương tiện và nắm bắt các thông tin liên lạc của tàu, thuyền, đồng thời xây dựng phương án neo đậu đảm bảo an toàn cho người và tàu cá phù hợp với điều kiện địa phương.

Nghi Xuân lên phương án chủ động tránh trú bão cho gần 1.000 tàu cá

Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 xã Xuân Yên luôn đồng hành với ngư dân chủ động ứng phó với mưa bão

Xuân Yên là xã vùng bãi ngang ven biển có số lượng tàu thuyền nhiều nhất huyện với gần 200 chiếc. Tuy nhiên, địa phương chưa có âu tránh trú bão cho tàu cá, nguy cơ mất an toàn, thiệt hại về tài sản của bà con vào mùa mưa lũ là rất cao.

Ông Nguyễn Văn Thú - Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ số 2 xã Xuân Yên cho biết: "Tàu thuyền là tài sản lớn, phương tiện hành nghề hằng ngày của bà con ngư dân. Để bảo vệ người và tài sản cho ngư dân, tổ đồng quản lý thường xuyên theo dõi, cập nhật cảnh báo thông tin kịp thời về tình hình thời tiết xấu trên biển; tuyên truyền cho bà con ngư dân không “mạo hiểm” cho tàu thuyền ra khơi khi sóng to, gió lớn".

Cùng với chủ động ứng phó của bà con ngư dân, trước mùa mưa bão năm nay, xã Xuân Yên đã hoàn thành xử lý mặt bằng gần 2 ha tại thôn Yên Ngư để tàu cá neo đậu tránh trú bão thuận lợi. Khi có bão cấp 8 trở lên, xã sẽ huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ kéo tất cả tàu cá vào sâu trong bờ, giằng néo chắc chắn tránh gió bão gây hư hỏng, thiệt hại tài sản của Nhân dân.

Nghi Xuân lên phương án chủ động tránh trú bão cho gần 1.000 tàu cá

Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu

Không chỉ Xuân Yên mà các xã bãi ngang ven biển khác ở Nghi Xuân cũng đã lên kế hoạch, địa điểm cụ thể, phân công trách nhiệm để đưa tàu thuyền lên bờ trú ẩn an toàn trước khi thời tiết bất lợi, mưa bão xảy ra. Theo đó, tàu có chiều dài từ 6 - 12m ở các xã: Đan Trường, Xuân Phổ, Xuân Yên neo đậu tại khu tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Hội; tàu thuyền các xã Xuân Liên, Cương Gián trú ẩn ở lạch Đồng Kèn xã Cương Gián...

Đối với 18 tàu cá có chiều dài từ 12 m đến hơn 24 m (công suất từ 60 - 1.100 CV), việc neo đậu phải đảm bảo an toàn theo từng cấp độ của bão. Trong điều kiện có bão cấp 8, cấp 9, các tàu thuyền được sắp xếp trú ẩn ở sông Lam từ bến Giang Đình (thị trấn Tiên Điền) đến thôn Hồng Nhất (xã Xuân Giang); bão cấp 9 trở lên, trú ẩn từ bến Hồng Nhất (xã Xuân Giang) đến cầu BếnThủy; khi xẩy ra bão mạnh, siêu bão, tàu sẽ neo đậu dọc bờ sông La thuộc xã Đức Vĩnh, huyện Đức Thọ...

Ngoài chủ động xây dựng các phương án neo đậu đảm bảo an toàn cho tàu cá, các địa phương triển khai tốt phương châm “4 tại chỗ” ứng phó với mưa bão. Đặc biệt, huyện bố trí 20 tàu thuyền và lực lượng hỗ trợ tại các xã Xuân Hội, Xuân Yên, Xuân Phổ, Cương Gián, Đan Trường... sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có tai nạn xảy ra.

"Khi có thông tin mưa bão, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Xuân Hội sẽ phân công nhiệm vụ các thành viên chủ động liên lạc với tàu, thuyền đang đánh bắt ngoài biển về bến kịp thời. Đề phòng các tình huống xấu xảy ra, xã đã hợp đồng 4 tàu thuyền lớn với 12 người để kịp thời ứng cứu có bất trắc xẩy ra trên biển, tàu thuyền chưa về bến đậu an toàn", ông Trịnh Quang Luật - Chủ tịch UBND xã Xuân Hội cho hay.

Nghi Xuân lên phương án chủ động tránh trú bão cho gần 1.000 tàu cá

Sau khi neo đậu, ngư dân phải giằng néo tàu thuyền để đảm bảo an toàn tài sản của mình

Ông Lê Anh Đức – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân cho biết, Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo từ nay đến cuối năm, trên khu vực biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 4 - 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh các giải pháp quyết liệt của ngành chuyên môn, các địa phương thì ngư dân cũng cần chủ động nâng cao nhận thức, tuân thủ nghiêm các biện pháp hướng dẫn, không được chủ quan, lơ là để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của mình...

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Hành tăm Vượng Lộc được mùa, "rớt" giá

Hành tăm Vượng Lộc được mùa, "rớt" giá

Thời tiết thuận lợi, vựa hành tăm tại xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cho năng suất cao, song giá bán chỉ bằng 1/2 so với năm ngoái, dao động từ 30.000 - 33.000 đồng/kg.
Tất bật "hồi sinh" đào sau Tết

Tất bật "hồi sinh" đào sau Tết

Những ngày này, các nhà vườn ở Hà Tĩnh đang dồn hết tâm sức vào việc chăm sóc những gốc đào với hy vọng cây sẽ bung nở vào đúng dịp tết Nguyên đán năm sau.
Cao điểm tỉa dặm, chăm bón lúa xuân ở Hà Tĩnh

Cao điểm tỉa dặm, chăm bón lúa xuân ở Hà Tĩnh

Thời điểm này, bà con nông dân Hà Tĩnh bắt đầu tập trung lấy nước vào ruộng, tỉa dặm, chú trọng phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ để đảm sự sinh trưởng, phát triển của lúa xuân.
Hợp tác xã Đoàn viên lan tỏa các giá trị

Hợp tác xã Đoàn viên lan tỏa các giá trị

Hơn 1 thập kỷ hình thành và phát triển, HTX Đoàn viên (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đã phát triển đa ngành nghề để tạo ra các giá trị kinh tế và đóng góp vì cộng đồng xã hội.
Ngọt thơm cam bù Hương Sơn

Ngọt thơm cam bù Hương Sơn

Trong những ngày áp Tết, từ các triền đồi, ngả đường đến các phiên chợ ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đều mọng đỏ màu cam bù - loại quả đặc sản, đậm dấu phong thổ địa phương…
Hà Tĩnh - nông nghiệp hữu cơ chuyển mình

Hà Tĩnh - nông nghiệp hữu cơ chuyển mình

Nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tăng trưởng xanh đang mang đến những giá trị mới, mở ra tiềm năng lớn cho nền sản xuất hiện đại ở Hà Tĩnh.