Ngư dân Hà Tĩnh giong thuyền, vượt sóng khai thác vụ cá nam

(Baohatinh.vn) - Dù gặp phải nhiều khó khăn do giá xăng dầu “leo thang”, thời tiết thất thường, dịch bệnh còn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, song, ngư dân Hà Tĩnh vẫn tích cực tu sửa tàu thuyền, ngư lưới cụ để ra khơi “đón” vụ cá nam...

Ngư dân Hà Tĩnh giong thuyền, vượt sóng khai thác vụ cá nam

Vụ khai thác cá nam của bà con ngư dân Hà Tĩnh bắt đầu kéo dài từ cuối tháng 3 đến hết tháng 9 âm lịch.

Theo kinh nghiệm truyền thống, vụ khai thác cá nam của bà con ngư dân Hà Tĩnh bắt đầu kéo dài từ cuối tháng 3 đến hết tháng 9 âm lịch, cũng là vụ khai thác chính nhất trong năm. Anh Nguyễn Văn Đông (xã Thạch Kim) - chủ tàu HT 90328 chia sẻ: “Vào vụ nam, các loại hải sản đánh bắt cho năng suất và giá trị cao. Các loại: tôm, cá, mực mùa này đánh về chất lượng đồng đều, kích thước lớn nên giá bán cao hơn hẳn. Mình đang cho tu sửa, kiểm tra lại tàu thuyền nhằm đảm bảo cho việc ra khơi được thuận lợi, đánh bắt có hiệu quả”.

Ở những địa phương có nhiều tàu mã lực lớn, đánh bắt xa bờ như: xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh), xã Xuân Hội (Nghi Xuân) thì ngư dân thường chọn đánh bắt ở các ngư trường lớn: Đà Nẵng, đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), đảo Cô Tô (Quảng Ninh)… Chuẩn bị cho vụ đánh bắt quan trọng nhất trong năm, ngư dân đã đầu tư, mua sắm ngư lưới cụ tốt, bổ sung lao động đảm bảo hoạt động cho những chuyến đi dài ngày.

Ngư dân Hà Tĩnh giong thuyền, vượt sóng khai thác vụ cá nam

Ngư dân tập trung tu sửa tàu thuyền chuẩn bị cho mùa biển mới.

Ngư dân Trần Thế Dương (xã Kỳ Hà - TX Kỳ Anh) cho biết: “Đội tàu trong xã có 30 chiếc với công suất mỗi phương tiện từ 250-750 CV đang hoạt động với hình thức tổ, đội để tương trợ nhau trên biển. Vào mùa này, chúng tôi huy động hết nhân lực, đầu tư duy tu máy móc để câu mực khơi nhằm thu về giá trị kinh tế cao”.

Nhu cầu tăng cao, các cơ sở sửa chữa tàu thuyền cũng nhộn nhịp tăng ca để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông Lê Tiến Hải - chủ cơ sở sửa chữa tàu thuyền tại xã Thạch Kim (Lộc Hà) cho biết: “Chi phí để tu bổ, sơn sửa lại tàu cá thường dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Đợt này, cơ sở đang tập trung sơn ve lại phần thân tàu, sửa chân vịt, kiểm tra lại hệ thống máy móc… nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu sớm ra khơi đánh bắt”.

Ngư dân Hà Tĩnh giong thuyền, vượt sóng khai thác vụ cá nam

Hải sản tươi ngon, cho giá trị kinh tế cao là động lực để ngư dân vươn khơi, bám biển.

Bước vào vụ khai thác mới, ngư dân Hà Tĩnh đang đối mặt với khó khăn lớn nhất hiện nay là giá xăng dầu còn “neo” cao. Tuy nhiên, nhiều ngư dân đang kỳ vọng hoạt động du lịch đã mở cửa trở lại, các hoạt động thương mại, dịch vụ đã quay đều trong trạng thái bình thường mới sẽ đảm bảo đầu ra, giá cả cho sản phẩm đánh bắt trên thị trường.

Anh Lê Văn Chuân (xã Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên) cho biết: “Hiện tại, một số loại hải sản chủ lực của vụ cá nam đã bắt đầu xuất hiện với sản lượng tương đối khá như: mực, cá thu, cá đục, cá trích, cá mu, cá vàng dương… Đây là động lực để ngư dân tiếp tục bám biển giữa bộn bề khó khăn”.

Ngư dân Hà Tĩnh giong thuyền, vượt sóng khai thác vụ cá nam

Vào chính vụ cá nam, ngư dân xã Xuân Yên có thu nhập tiền triệu nhờ đánh bắt ghẹ biển.

Được biết, xã Cẩm Nhượng hiện có gần 200 tàu, thuyền, trong đó, hơn 130 chiếc đánh bắt cách bờ biển từ 10-15 hải lý. Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết: “Để giảm chi phí sản xuất, xã khuyến khích ngư dân khai thác thủy sản theo tổ đội, nhóm hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt thủy sản; tăng cường khai thác theo chuỗi liên kết; bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng nhằm nâng cao giá thành sản phẩm”.

Thời điểm này, ngư dân vùng bãi ngang ven biển thuộc các xã như: Thịnh Lộc (Lộc Hà); Thạch Hải, Thạch Trị (Thạch Hà); Kỳ Phú, Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh)… đã bắt đầu giong thuyền ra khơi với kỳ vọng một mùa đánh bắt mới thuận lợi.

Ngư dân Hà Tĩnh giong thuyền, vượt sóng khai thác vụ cá nam

Chi cục Thủy sản tăng cương phối hợp các đơn vị liên quan xử lý các vi phạm khi đánh bắt trên biển.

Ông Nguyễn Tông Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu đưa sản lượng khai thác thủy sản đạt hơn 18.500 tấn. Ngành khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán nâng cao công suất tàu cá và đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại; nhân rộng mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác; bám biển sản xuất hợp lý để giảm chi phí đi và về trong lúc giá xăng dầu tăng cao.

Đặc biệt, Chi cục Thủy sản phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn địa phương, ngư dân triển khai các biện pháp đồng bộ khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu đối với hàng thủy sản của Việt Nam (IUU), tăng cường xử phạt các vi phạm”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.