Người cựu chiến binh và nỗ lực cải tạo bãi bồi ven sông La

(Baohatinh.vn) - Nhờ công chăm bón mỗi ngày của lão nông Nguyễn Đình Phúc (65 tuổi, thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), bãi bồi hoang hóa ven sông La ngày nào nay đã trở thành nương khoai, vườn táo... xanh tốt, trù phú.

Người cựu chiến binh và nỗ lực cải tạo bãi bồi ven sông La

Ông Phúc vẫn bận rộn, hăng say lao động ở tuổi 65.

Ở tuổi 65, ông Nguyễn Đình Phúc (SN 1958) ở TDP Hùng Dũng, thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ vẫn rất rắn rỏi, khỏe mạnh. Dù đã có cơ ngơi đàng hoàng cùng với mức thu nhập ổn định nhưng ông chưa tính đến chuyện an dưỡng tuổi già. Hàng ngày, ông Phúc bận rộn với công việc của giáo xứ trong khi vẫn quản lý hợp tác xã môi trường và trực tiếp sản xuất hơn 4 mẫu ruộng ở bãi bồi ven sông La...

Ông Phúc kể lại: "Sinh ra trong thời chiến, tôi nối gót cha anh làm thanh niên xung phong rồi lên đường nhập ngũ vào quân đội. Đến năm 1981, tôi rời quân ngũ, về địa phương xây dựng gia đình và lập nghiệp. Ngày đầu, theo truyền thống tổ nghiệp làng Đức Yên, gia đình nhỏ của tôi sản xuất bánh gai. Về sau, để có thêm thu nhập, tôi học và làm nghề sửa chữa cơ khí, máy móc cơ giới nông nghiệp".

Người cựu chiến binh và nỗ lực cải tạo bãi bồi ven sông La

Bãi bồi vùng ngoài đê sông La được ông Phúc cải tạo, sản xuất thành vườn cây xanh tốt.

Dù chăm chỉ lao động nhưng công việc khi đó chỉ cho mức thu nhập “đủ sống”, gần như không có dư dả. Bởi vậy, đến năm 2006, ông Phúc rời quê hương đi xuất khẩu lao động ở Úc. Thời điểm đó, chuyến đi không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế nhưng bù lại, ông học tập thêm được kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hiện đại và cách làm khoa học tại nơi làm việc.

Trở về quê hương, ông Phúc dành số tiền tiết kiệm được đầu tư mua máy cày, máy làm đất và tự chế máy đánh luống… để hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, giảm bớt sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Đồng thời, mua xe ô tô tải và thành lập hợp tác xã môi trường để thu gom rác thải trên địa bàn, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Người cựu chiến binh và nỗ lực cải tạo bãi bồi ven sông La

Các loại cây như khoai lang phù hợp với đất bồi, năng suất, chất lượng cao.

Ông Phúc chia sẻ: "Khi đó, nhận thấy cánh đồng bãi bồi ven sông La rất màu mỡ nhưng người dân bỏ hoang, không sản xuất do thường xuyên ngập lụt và cách trở (vùng ngoài đê, chưa có đường sá đi lại), tôi mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương nhận thầu 2ha, cải tạo đất để sản xuất.

Tôi đầu tư hơn 50 triệu đồng để làm cống thoát nước, đổ đá làm đường đi lại phục vụ sản xuất. Tiếp đó, tôi lựa chọn các giống cây ngắn ngày, hoặc sản xuất ngắn vụ như ngô sinh khối, khoai lang, rau màu… để tránh thiên tai, lụt lội. Không phụ lòng người, các loại cây rau màu tốt tươi, mang về cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm."

Người cựu chiến binh và nỗ lực cải tạo bãi bồi ven sông La

Cây táo phù hợp thổ nhưỡng, đặc trưng đất pha cát của bãi bồi nên phát triển, sinh trưởng rất tốt.

Hiện tại, khu vực bãi bồi đang được ông quy hoạch lại, trồng cây ăn quả để tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trước mắt, có hơn 300 gốc táo – loại cây phù hợp thổ nhưỡng, đặc trưng đất pha cát của bãi bồi đang phát triển, sinh trưởng rất tốt, dự kiến cuối năm 2023 sẽ cho thu hoạch.

Nói về các khoản thu nhập, ông Phúc nhẩm tính: "Trong năm qua tôi thu về khoảng 150 triệu đồng từ 3 máy cơ giới (phục vụ sản xuất cho hơn 120 mẫu ruộng trên địa bàn) và lợi nhuận từ hợp tác xã môi trường, nghề sản xuất bánh gai… Dự kiến khi vườn táo có thu hoạch, gia đình sẽ có thêm hàng trăm triệu đồng thu nhập mỗi năm. Hiện tại, tôi cũng đang trồng thử một số loại cây khác như ổi, xoài... tại khu vực bãi bồi. Tôi còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động khác ở địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng".

Người cựu chiến binh và nỗ lực cải tạo bãi bồi ven sông La

Ông Phúc là người tiên phong trong các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa phương.

Ngoài việc lao động, sản xuất giỏi, ông Phúc cũng được bà con giáo dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ Yên Nghĩa và tham gia Ban đoàn kết công giáo huyện Đức Thọ. Bởi vậy, ông gương mẫu trong các phong trào và luôn nhắc nhở bà con sống tốt đời, đẹp đạo, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp. Năm 2018, khi chưa sáp nhập đơn vị hành chính, gia đình ông tiên phong hiến 50m2 đất để cùng xã Đức Yên mở đường xây dựng nông thôn mới. Tiếp đó, năm 2021, gia đình hiến thêm 30m2 đất ở, phá bỏ gần 80m tường rào và di dời một số công trình phụ trợ để mở đường giao thông.

Bên cạnh đó, ông và các thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ cũng thường xuyên kêu gọi, vận động và trực tiếp đóng góp để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhiều căn nhà cho những hộ nghèo trong vùng.

“Là một cựu chiến binh và là một nông dân, tôi luôn học Bác Hồ từ những điều nhỏ nhặt nhất như là đức tính giản dị, chịu khó và sự sáng tạo… Ở tuổi 65, tôi vẫn cần cù sản xuất, mong muốn tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người dân và đóng góp xây dựng quê hương” - ông Phúc tâm niệm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast