Người dân Hà Tĩnh cần hiểu đúng về sức khỏe tâm thần

(Baohatinh.vn) - Nhiều người dân Hà Tĩnh khi nghe đến bệnh tâm thần là nghĩ đến bệnh "điên", thần kinh mà không biết rằng có nhiều loại rối loạn tâm thần khác trong xã hội hiện đại như: trầm cảm, lo âu, mất ngủ... ảnh hưởng đến sức khoẻ và cuộc sống.

Xã hội ngày càng phát triển thì các vấn đề về sức khỏe tâm thần có xu hướng gia tăng do áp lực cuộc sống, công việc. Đây là các bệnh lý về sức khoẻ tâm thần, tuy nhiên, do hiểu biết của người dân về các bệnh lý tâm thần chưa đầy đủ khiến cho suy nghĩ và nhìn nhận đang có phần lệch lạc.

Người dân Hà Tĩnh cần hiểu đúng về sức khỏe tâm thần

Một bệnh nhân chủ động đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh.

Bệnh nhân V.T.H (30 tuổi, huyện Can Lộc) vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh do có các triệu chứng mất ngủ, buồn bã, dễ cáu gắt sau sinh con. Trước đó, khi bệnh nhân mới có các biểu hiện bệnh, do thiếu hiểu biết, người nhà không đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để điều trị mà tin vào cúng bái và các yếu tố tâm linh. Sau đó, tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi. Sau gần 1 tháng nhập viện, tình trạng bệnh nhân H. dần ổn định và được ra viện.

Đối với bệnh nhân N.T.D (50 tuổi, TX Kỳ Anh), bị chứng mất ngủ kéo dài ngày và để khắc phục tình trạng mất ngủ, bà D. đã tự ý mua, sử dụng nhiều thực phẩm chức năng để điều trị mất ngủ. “Dù uống nhiều loại thực phẩm nhưng vẫn không thể dứt điểm tình trạng mất ngủ nên tôi mới đến cơ sở y tế để điều trị. Sau khi điều trị được một thời gian, giấc ngủ dần ổn định trở lại dù đôi khi vẫn còn chập chờn. Tuy vậy, đó là bước chuyển biến rất lớn, chỉ cần tích cực phối hợp điều trị thêm một thời gian nữa thì tôi tin rằng, chứng mất ngủ sẽ được điều trị dứt điểm” - bà D. chia sẻ.

Người dân Hà Tĩnh cần hiểu đúng về sức khỏe tâm thần

Bác sỹ Khoa Cấp tính nữ thăm khám cho một bệnh nhân bị các triệu chứng mất ngủ kéo dài.

Đó là hai trong rất nhiều bệnh nhân bị các rối loạn về tâm thần nhưng lại không phát hiện được, ảnh hưởng đến sức khoẻ và đời sống sinh hoạt. Điều đáng lo ngại là dù đó là các triệu chứng của bệnh lý tâm thần nhưng do người dân vẫn chưa hiểu đúng về sức khỏe tâm thần, thường suy nghĩ tâm thần là bệnh “điên” nên không chủ động đi thăm khám, tầm soát mà chủ quan, thậm chí là giấu bệnh vì sợ kỳ thị, phân biệt đối xử dẫn đến gây khó khăn trong chăm sóc, điều trị.

Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh đang điều trị cho trên 90 bệnh nhân nội trú, trong đó, Khoa Cấp tính nữ chiếm gần một nửa; trong số này, có gần 30% bệnh nhân được chẩn đoán bị trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ. Đáng ngại, đa số bệnh nhân vào viện điều trị đều rất muộn, bệnh đã có những diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác điều trị.

Bác sỹ Nguyễn Văn Mạnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh cho biết: “Bệnh tâm thần cũng như các bệnh lý khác, việc phát hiện bệnh đóng vai trò quyết định trong kết quả điều trị. Nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh có thể khỏi nhanh, nếu phát hiện muộn - lúc này bệnh đã tiến triển mạn tính - rất khó hồi phục. Có một thực tế là việc phát hiện bệnh thường do người thân trong gia đình, người cùng cơ quan, đơn vị còn người bệnh thường không chủ động đến cơ sở y tế, đặc biệt là đến cơ sở chuyên khoa về tâm thần thăm khám, tư vấn điều trị do tâm lý nghi ngại, e dè”.

Người dân Hà Tĩnh cần hiểu đúng về sức khỏe tâm thần

Người dân cần nhìn nhận đúng về bệnh lý tâm thần để phát hiện và điều trị kịp thời.

Trước thực trạng người bệnh tâm thần ngại ngần khi đến các cơ sở chuyên khoa điều trị, các bác sỹ khuyến cáo, mỗi người dân cần tăng cường hơn nữa nhận thức về sức khoẻ tâm thần để tự chăm sóc cho bản thân, cho người thân và bạn bè. Tuyệt đối không kỳ thị, phân biệt với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, có vậy thì việc phát hiện và điều trị người bệnh tâm thần mới đạt được những hiệu quả khả quan.

Mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu - bia và các chất kích thích, tăng cường hoạt động thể lực, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi… Ngoài ra, cần biết phát hiện sớm các biểu hiện rối loạn liên quan stress như: căng thẳng, lo âu, mất ngủ... để khám và điều trị kịp thời. Gia đình và người thân cần phát hiện sớm người có biểu hiện của rối loạn tâm thần để điều trị kịp thời, theo đúng phương pháp khoa học tại các cơ sở y tế, không cúng bái, không giấu bệnh, tuân thủ sự hướng dẫn của bác sỹ.

Bác sỹ Nguyễn Văn Mạnh
PGĐ Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.
Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh lựa chọn sinh con ở độ tuổi sau 35. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con cũng như giảm chất lượng dân số.