Người dân Vũ Quang chăm sóc cam thế nào khi giá phân bón hóa học tăng mạnh?

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang bước vào kỳ bón phân cho cam nhằm giúp cây ra hoa, đậu quả cao. Tuy nhiên, hiện giá các loại phân bón hóa học chuyên dùng tăng cao khiến các nhà vườn phải thay đổi cách thức chăm sóc cây trồng.

Người dân Vũ Quang chăm sóc cam thế nào khi giá phân bón hóa học tăng mạnh?

Ngoài dùng phân chuồng, gia đình ông Đoàn Quốc Hoài ở thôn 1 (xã Quang Thọ) còn mua hơn 10 tấn phân hữu cơ Quế Lâm với giá 2 triệu đồng/tấn để bón cho cam.

Ông Đoàn Quốc Hoài (thôn 1, xã Quang Thọ) cho biết, từ đầu năm đến nay, giá phân bón hóa học tăng cao khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, phân bón NPK Thái Lan Sitto mà gia đình chuyên dùng cho cam có giá 1,4 triệu đồng/tạ thì nay đã tăng lên gần 2,2 triệu đồng/tạ. Như những năm trước, sau kỳ thu hoạch, gia đình phải mua 10 tấn phân bón để chăm sóc gần 3 ha cam với chi phí khoảng 140 triệu đồng thì nay mất khoảng 220 triệu đồng.

Người dân Vũ Quang chăm sóc cam thế nào khi giá phân bón hóa học tăng mạnh?

Vợ chồng ông Hoài bón phân hữu cơ cho cam thay vì dùng phân hóa học như năm ngoái.

Ông Hoài chia sẻ: “Giá phân bón chiếm khoảng 30 - 40% chi phí sản xuất và có thể cao hơn tùy theo thay đổi của thị trường. Như vụ cam vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cam ở nhiều thời điểm “rớt” giá trong khi phân bón tăng giá khiến gia đình rất chật vật. Hiện tại, để giảm chi phí, tôi đã sử dụng phân bón hữu cơ Quế Lâm với giá 2 triệu/tấn và phân trâu để bón cho cam. Đây cũng là loại phân bón mà các nhà vườn linh hoạt sử dụng khi giá các loại phân bón truyền thống "leo thang”.

Thời điểm này, không chỉ ông Hoài, mà nhiều người dân trên địa bàn Vũ Quang cũng đang “đau đầu” vì giá phân bón hóa học chuyên dùng tăng phi mã trong thời gian này.

Người dân Vũ Quang chăm sóc cam thế nào khi giá phân bón hóa học tăng mạnh?

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh) đang bón phân chuồng cho cam.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt (thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh) chia sẻ: “Từ vụ cam năm ngoái, giá phân bón đã tăng giá chóng mặt. Từ đầu năm 2022 trở lại đây, giá nhiều loại phân bón hóa học đã tăng thêm khoảng trên 50% khiến chúng tôi gặp khó trong việc chăm sóc cam. Để giảm chi phí sản xuất, năm nay, tôi đã ủ phân chuồng với chế phẩm sinh học để bón thêm cho cam thay vì sử dụng 100% phân NPK Việt Nhật như những năm trước. Bởi, nếu đầu tư như trước thì lứa cam này gia đình xác định sẽ không có lãi”.

Người dân Vũ Quang chăm sóc cam thế nào khi giá phân bón hóa học tăng mạnh?

Phân chuồng được bà Nguyệt ủ với chế phẩm sinh học cẩn thận trước khi bón cho cam.

Ông Nguyễn Xuân Thê - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết: “Trước việc tăng giá các loại phân bón hóa học, vụ cam năm nay, nhiều bà con trên địa bàn xã đã chuyển hướng sang ủ các loại phân trâu, bò để làm phân hữu cơ bón cho cam, góp phần làm giảm giá thành sản xuất so với sử dụng phân hoá học. Đồng hành cùng bà con, địa phương đã cử cán bộ chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng men vi sinh tự sản xuất phân bón hữu cơ tại nhà, từ đó có thể giảm chi phí và giúp cây cam phát triển tốt”.

Thời điểm hiện tại, thị trường phân bón vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, theo khảo sát, mức giá các loại phân bón hóa học chuyên dùng cho cam năm nay tăng cao, từ 30 - 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, tăng mạnh nhất là phân bón NPK Đầu Trâu, từ 1,3 triệu đồng/tạ tăng lên gần 2 triệu đồng/tạ; NPK Thái Lan Sitto có giá 1,5 triệu đồng/tạ thì nay đã tăng lên 2,2 triệu đồng/tạ…

Theo đánh giá của ngành chuyên môn Vũ Quang, mức giá phân bón hóa học thời điểm này tăng đều ở tất cả các loại, nguyên nhân chính là do dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu. Bên cạnh đó, một số nước có chính sách hạn chế xuất khẩu nên đã đẩy giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất phân bón lên cao.

Người dân Vũ Quang chăm sóc cam thế nào khi giá phân bón hóa học tăng mạnh?

Các loại phân hữu có tác dụng giúp đất tơi xốp, thoáng khí, cải thiện độ PH, giữ ẩm cho đất, tăng khả năng chống hạn cho cây trồng.

Ông Nguyễn Trường Thọ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết: “Toàn huyện hiện có 2.600 ha cam, chiếm diện tích lớn nhất tỉnh. Để giải bài toán khó về giá phân bón tăng cao, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, thời gian qua, huyện đã khuyến khích người dân đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất theo hướng giảm dần phân hóa học, tăng cường nguồn phân hữu cơ; hướng dẫn bà con phát triển đàn gia súc để tận dụng nguồn phân chuồng phục vụ cho sản xuất, nhất là chăm sóc các diện tích cam. Qua nắm bắt, hiện tại, có khoảng gần 90% bà con trên địa bàn đã sử dụng phân chuồng tự ủ với các chế phẩm sinh học và các loại phân hữu cơ uy tín như phân Quế Lâm để giảm chi phí sản xuất”.

Cũng theo ông Thọ, trên thực tế, các loại phân hữu cơ cũng có tác dụng giúp đất tơi xốp, thoáng khí, cải thiện độ PH, giữ ẩm cho đất, tăng khả năng chống hạn cho cây trồng rất tốt. Vì vậy, việc sử dụng phân bón hữu cơ không ảnh hưởng gì đến quá trình phát triển và chất lượng quả của cây cam.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.