“Mục tiêu kép” của nông dân miền núi Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Nông dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì ổn định hoạt động sản xuất.

Được cán bộ thôn đến tận nhà tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bà Phan Thị Phương (thôn Hợp Duận, xã Hương Minh) cùng các thành viên trong gia đình đã ý thức hơn trong phòng, chống dịch tại nhà cũng như khi tham gia lao động sản xuất.

“Mục tiêu kép” của nông dân miền núi Hà Tĩnh

Bà Phan Thị Phương (thôn Hợp Duận, xã Hương Minh) tập trung dặm tỉa, bón phân cho 7 sào lúa của gia đình.

Bà Phương cho biết: “Vụ hè thu này, gia đình tôi gieo cấy 7 sào lúa. Mặc dù thời điểm này dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhưng nhờ chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch an toàn nên gia đình đã tập trung ra đồng tỉa dặm, tranh thủ thời tiết thuận lợi để chăm sóc lúa, bởi đây là thời gian quan trọng, cần tiến hành tỉa dặm nhanh để đảm bảo mật độ phân bổ, giúp lúa đẻ nhánh và phát triển kịp thời vụ".

Cũng theo bà Phương, phòng, chống dịch Covid-19 là việc làm cấp thiết với mỗi người dân. Tuy nhiên, việc duy trì, ổn định sản xuất cũng là vấn đề quan trọng trong thời điểm này để giúp kinh tế của gia đình nói riêng, huyện nhà nói chung cùng phát triển.

“Mục tiêu kép” của nông dân miền núi Hà Tĩnh

Vụ hè thu này, toàn xã Hương Minh gieo trỉa gần 80 ha lúa các loại.

Chủ tịch UBND xã Hương Minh Đoàn Ngọc Lương cho biết: "Vụ hè thu năm nay, toàn xã Hương Minh gieo trỉa gần 80 ha lúa. Để đảm bảo khung thời vụ, xã thường xuyên chỉ đạo người dân theo dõi sự phát triển của lúa để kịp phát hiện các loại sâu bệnh, chủ động dặm tỉa, bón phân theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, không tập trung đông người để vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa duy trì nhịp điệu sản xuất".

“Mục tiêu kép” của nông dân miền núi Hà Tĩnh

Gia đình ông Nguyễn Bình Nam ở thôn 3 (xã Ân Phú) tập trung làm đất để xuống giống gần 8 sào ngô.

Vừa thu hoạch xong 8 sào lạc, gia đình ông Nguyễn Bình Nam ở thôn 3 (xã Ân Phú) đã khẩn trương huy động máy móc, chuẩn bị giống, phân bón để gieo trỉa ngô cho kịp thời vụ.

Ông Nam cho biết: “Nếu ngô gieo trỉa không đúng lịch thì sẽ không kịp thời vụ, sâu bệnh dễ phát triển, dẫn tới năng suất giảm. Do vậy, thời điểm này, gia đình đang tập trung nhân lực để kịp “phủ xanh” 8 sào ngô. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội, trong suốt quá trình lao động, chúng tôi đều tuân thủ các quy định, hướng dẫn phòng dịch của ngành y tế, chủ động đeo khẩu trang, không tập trung đông người".

“Mục tiêu kép” của nông dân miền núi Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Thái Bình ở thôn 1 (xã Quang Thọ) chỉnh trang lại vườn trong những ngày ở nhà thực hiện cách ly y tế.

Tranh thủ thời gian ở nhà cách ly y tế, các thành viên trong gia đình ông Nguyễn Thái Bình (thôn 1, xã Quang Thọ) tập trung chăm sóc hàng rào xanh, vườn cây ăn quả và các phần việc khác. Nhờ vậy, khu vườn của gia đình ông vẫn cây trái xanh tươi và nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp hơn.

Ông Bình chia sẻ: “Trong thời gian cách ly y tế tại nhà, gia đình chúng tôi nhàn rỗi và đông đủ hơn nên đã cùng nhau làm các phần việc ở nhà. Trong đó, tập trung chăm sóc cho vườn cam gần 500 gốc đang cho quả. Nhờ chăm sóc tốt nên vườn cam luôn xanh mướt, trĩu quả, hứa hẹn sẽ mang về nguồn thu lớn cho gia đình vào cuối vụ”.

“Mục tiêu kép” của nông dân miền núi Hà Tĩnh

Nông dân Vũ Quang vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang, vụ hè thu năm nay, toàn huyện gieo trỉa gần 500 ha lúa, 280 ha đậu và hơn 260 ha ngô. Cùng với việc chỉ đạo các địa phương duy trì hoạt động sản xuất, Phòng NN&PTNT huyện cũng đã tăng cường tuyên truyền các địa phương triển khai các phương án phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ cảnh giác cao nhất cho người dân khi tham gia sản xuất.

Thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, nông dân Vũ Quang đã nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì nhịp độ sản xuất, kịp thời thu hoạch và xuống giống các loại hoa màu vụ hè thu đúng thời gian, kịp mùa vụ.

“Mục tiêu kép” của nông dân miền núi Hà Tĩnh

Việc duy trì sản xuất giữa mùa dịch vừa giúp bà con nông dân đảm bảo kế hoạch sản xuất, vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn Vũ Quang phát triển.

Trên các cánh đồng và trong từng vườn đồi, mặc dù lao động ngoài trời nắng nóng nhưng hầu hết nông dân Vũ Quang đều tự giác đeo khẩu trang, không có các tốp lao động sản xuất đông người.

Tất cả đều ý thức được rằng, mỗi người cùng chung tay, chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe theo quy định thì chắc chắn dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi. Đó cũng là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Tin liên quan:

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Khi cây lúa lên xanh

Khi cây lúa lên xanh

Dù phải đối mặt với áp lực thời vụ lớn và ảnh hưởng của mưa lũ bất thường, cây lúa vẫn bén rễ, vươn lên mạnh mẽ từ sự bền bỉ và tình yêu với đồng ruộng của người nông dân Hà Tĩnh.
Can Lộc đẩy mạnh phát triển thuỷ sản nước ngọt

Can Lộc đẩy mạnh phát triển thuỷ sản nước ngọt

Tận dụng tiềm năng ao hồ, mặt nước dồi dào, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tập trung chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích, đầu tư nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng thâm canh, đa dạng hoá đối tượng nuôi.
Người dân Hà Tĩnh nuôi tằm trong phòng điều hòa

Người dân Hà Tĩnh nuôi tằm trong phòng điều hòa

Để tằm sinh trưởng, phát triển đạt hiệu quả tốt nhất, một số hộ dân ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn lắp điều hòa trong phòng nhằm duy trì nền nhiệt. Các mô hình mang lại hiệu quả, cho thu nhập khá.
Trồng rừng bản địa, lợi ích lâu dài từ đất rừng Hà Tĩnh

Trồng rừng bản địa, lợi ích lâu dài từ đất rừng Hà Tĩnh

Không chỉ là "lá phổi xanh", rừng bản địa Hà Tĩnh còn là nơi gìn giữ đa dạng sinh học, điều tiết nguồn nước, chống xói mòn và góp phần tạo sinh kế cho người dân. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm diện tích rừng tự nhiên, trồng rừng bản địa được xem là giải pháp bền vững, hướng tới những lợi ích lâu dài.